Xây bao nhiêu bệnh viện cũng không đủ
Nếu lấy năm 1980 làm mốc, thì đến nay, sau hơn 30 năm số giường bệnh đã tăng 200%, trong khi đó dân số chỉ tăng 60%. Vậy mà thời điểm đó chưa hề có hiện tượng quá tải, thậm chí có lúc công suất giường bệnh chỉ đạt 50%. Những con số ấy nói lên điều gì? Nếu phân tích đơn thuần, thấy rõ người dân có bệnh phải vào nằm điều trị tại các bệnh viện ngày càng tăng theo tỷ lệ dân số. Đó liệu có phải điều đáng suy ngẫm?
Nhiều người cho rằng, trước kia kinh tế khó khăn, người dân không có điều kiện khám chữa bệnh! Điều đó hoàn toàn là bao biện, bởi khi đó khám chữa được nhà nước bao cấp. Có người lại cho rằng, bây giờ ô nhiễm nhiều, sinh ra lắm loại bệnh. Điều đó chỉ đúng 1 phần nhỏ, bởi chất lượng cuộc sống ngày một được nâng lên, điều kiện ăn ở tốt gấp nhiều lần trước kia.
Nếu phân tích kỹ sẽ thấy có khá nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân cơ bản xuất phát từ nhận thức, đó là chúng ta quan tâm đến "chữa hơn phòng". Ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập đến một khía cạnh của "phòng" đó là rèn luyện sức khỏe. Thoạt nghe có vẻ chúng không liên quan gì đến nhau bởi chúng thuộc 2 lĩnh vực khác nhau, nhưng thực ra đây là mối quan hệ nhân quả đặc biệt.
Chúng ta có quá ít những nơi chơi thể thao quần chúng. Trẻ em thường gắn liền với sân bóng, sân chơi, bơi lội…Vậy mà ở các thành phố, thị xã, sân chơi rất hiếm, thi thoảng mới có 1 sân bóng, nhưng muốn vào chơi thì phải có tiền, các môn thể thao như cầu lông, ten nít… cũng chủ yếu dành cho người có khá giả. Tỉnh Quảng Ninh mang tiếng là có bờ biển dài nhưng lại rất ít chỗ để bơi, tỷ lệ người không biết bơi chiếm hơn 90% dân số. Lại chuyện "Bao giờ cho đến ngày xưa", kể ra thì buồn nhưng là sự thật. Trẻ em trước kia cứ học xong là đi đá bóng, đi bơi, đi chơi. Vầy mưa, đội nắng cả ngày không sao. Còn bây giờ động ra nắng một tý, gặp vài hạt mưa là ốm. Còn người lớn, các buổi chiều, chỗ nào cũng quán bia, quán nhậu, người nhậu đông gấp trăm lần người đi chơi thể thao. Nhớ lại trước kia ta cứ chê "Nhật lùn" Bây giờ nhìn đội bóng đá của họ cạnh đội của ta thấy mình thảm hại.
Ở các nước tiên tiến như Canađa, Ôxtraylia… cơ sở luyện tập thể thao rất nhiều, hầu hết là miễn phí hoặc giá rẻ còn bệnh viện lại ít. Còn ở ta thì ngược lại. Trước kia "ra ngõ gặp anh hùng" còn bây giờ "ra ngõ gặp người bệnh". Điều chắc chắn là cùng một điểm xuất phát, cơ thể càng cường tráng, khỏe mạnh, tinh thần càng sảng khoái, trí tuệ càng được phát huy. Một dân tộc hùng mạnh cần nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố cơ bản, đó là trí tuệ cao và thể lực sung mãn.
Dù đã là rất muộn nhưng vẫn phải làm ngay. Đó là việc ưu tiên quan tâm đến điều kiện để rèn luyện thể lực, nâng cao khả năng đề kháng, sức khỏe cho mỗi người dân Việt. Được như thế, sẽ đỡ tốn kém hơn rất nhiều là xây bệnh viện, chi phí chữa bệnh. Nếu không, xây bao nhiêu bệnh viện cũng là không đủ.
Ý kiến ()