
Hồi ức của người chiến sĩ Vệ quốc quân Lê Bá Thạch
Sinh năm 1924, trải qua 101 mùa xuân, ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Lê Bá Thạch - một trong những chiến sĩ Vệ quốc quân đầu tiên của Đại đội Bạch Đằng tham gia kháng chiến chống Pháp ngày ấy, hiện vẫn khỏe mạnh, là một minh chứng cho sự kiên cường và bền bỉ của người lính Cụ Hồ.
Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, chàng thanh niên Lê Bá Thạch khi ấy đã nung nấu ý chí quyết tâm phải làm điều gì đó cho quê hương, tích cực tham gia các phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân ở vùng đảo Hà Nam, huyện Yên Hưng.
Đầu năm 1946, từ xóm Cửa Lũy, xã Cẩm La, huyện Yên Hưng (nay là thôn Cẩm Lũy, xã Cẩm La, TX Quảng Yên), chàng thanh niên Lê Bá Thạch đã trốn nhà ghi danh vào Vệ quốc quân, trở thành một trong những chiến sĩ cộng sản kiên trung. Theo Sắc lệnh 71 ngày 22/5/1946, Vệ quốc quân được chuyển thành Quân đội quốc gia của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cũng thời điểm ấy, Đại đội Bạch Đằng (nay là tiểu đoàn Bạch Đằng) - Đại đội bộ đội địa phương của huyện Yên Hưng được thành lập. Người chiến sĩ Lê Bá Thạch trở thành một trong những chiến sĩ đầu tiên của Đại đội Bạch Đằng, tham gia hàng trăm trận đánh quyết liệt, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường.
Cuộc đời binh nghiệp của cụ Lê Bá Thạch đã được ghi dấu bởi nhiều trận đánh trải dài từ Sơn Động (Bắc Giang), Chí Linh, Kim Thành (Hải Dương), Thủy Nguyên (Hải Phòng), đến Đông Triều, Hòn Gai (Quảng Ninh)... Đáng nhớ nhất là những trận đánh bảo vệ, giải phóng tỉnh lỵ Quảng Yên.
Việc phân định địa giới các chiến khu được điều chỉnh lại. Tỉnh Quảng Yên, Hải Ninh và Đặc khu Hồng Gai tách khỏi Chiến khu 3 và trực thuộc Chiến khu 12. Sau hơn 3 năm thành lập, Đại đội Bạch Đằng phát triển thành Tiểu đoàn Bạch Đằng, thuộc tỉnh Quảng Hồng do cụ Vũ Đình Mai chỉ huy.

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Yên Hưng, ngày 28/2/1947, giặc Pháp chia làm hai mũi tiến công đánh thị xã Quảng Yên, một mũi đánh từ Yên Lập đến, một mũi từ Núi Đèo kéo vào, kết hợp với tàu chiến ở cửa sông Bạch Đằng yểm trợ. Cùng sự hỗ trợ của nhân dân địa phương, lực lượng tự vệ cùng với Đại đội Bạch Đằng đã chiến đấu bảo vệ thị xã vô cùng anh dũng.
"Lúc đó, giặc Pháp bị chặn đánh ở ngã ba Biểu Nghi từ 3 giờ sáng đến tối mịt, 2 xe thiết giáp cùng hàng trăm tên Pháp bị tiêu diệt trong trận đánh giằng co quyết liệt ở cầu Cao (Yên Lập). Khi bắn hết đạn, anh em chúng tôi tiếp tục dùng lưỡi lê, dao găm, đánh giáp lá cà với địch. Nhưng vì lực lượng địch quá đông, 5 chiến sĩ của ta, trong đó có anh Minh, người Quảng Yên, đã hy sinh. Thế nhưng, chúng tôi không dừng lại, những người còn lại vẫn quyết bám trụ đến cùng" - cụ Lê Bá Thạch nhớ lại.
Trong cuốn Quảng Ninh - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) ghi lại: “Ở tỉnh Quảng Yên, bộ đội địa phương và dân quân du kích liên tục tiến công quân địch, đã đánh 400 trận, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu trên 3.500 tên địch. Riêng Tiểu đoàn Bạch Đằng đã đánh 23 trận, có hiệu suất tiêu diệt địch rất cao.

Với cách đánh cơ động, linh hoạt, vận động nhanh, chỉ trong hai đêm, Tiểu đoàn đã tiêu diệt 4 vị trí quân sự của địch. Trong Đông Xuân 1953-1954, quân dân tỉnh Quảng Yên kêu gọi được 1195 lính ngụy đào ngũ, diệt 766 tên địch, bắt sống 324 tên (trong đó có 1/4 là lính Âu Phi), thu 523 súng các loại. Các mặt công tác khác của tỉnh cũng có nhiều thành tích trong đó nổi bật là thành tích huy động dân công đi phục vụ tiền tuyến. Từ tháng 1 đến tháng 9/1954, đã có 10.253 lượt người (phần đông ở vùng địch hậu) đi phục vụ cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trước những chiến công vang dội, ghi đậm dấu ấn lịch sử, ngày 30/5/1954, Hội đồng Thi đua của Liên khu Việt Bắc đã quyết định tặng cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tỉnh Quảng Yên và tặng cờ “Tiểu đoàn gương mẫu Liên khu” cho Tiểu đoàn Bạch Đằng”.

Trong những chiến công ấy, đều có sự đóng góp không hề nhỏ của chiến sĩ Lê Bá Thạch. “Cụ Lê Bá Thạch đã tham gia nhiều trận đánh đầy mưu trí và dũng cảm. Cụ lập được nhiều chiến công xuất sắc, sử sách khắc ghi chiến tích từ thời Tiểu đoàn Bạch Đằng kháng chiến chống thực dân Pháp”, cụ Vũ Tập (92 tuổi), nguyên là chiến sĩ của Tiểu đoàn Bạch Đằng, nguyên Đại tá, cán bộ của Đặc khu Quảng Ninh, chia sẻ.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, với hơn 70 năm tuổi Đảng, từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cụ Lê Bá Thạch đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó, có Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba.
Mặc dù chiến công nối tiếp chiến công, thế nhưng cụ Lê Bá Thạch sống rất khiêm nhường. Trong những câu chuyện hằng ngày của mình, cụ ít nhắc đến những chiến tích của bản thân, mà luôn dùng những câu chuyện lịch sử để răn dạy con cháu.
Ông Lê Bá Thu, con trai cụ Lê Bá Thạch chia sẻ: "Bố tôi gặp mẹ tôi trong một trận chống càn ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương năm 1947, mẹ tôi khi ấy là cô du kích trong Hội Phụ nữ cứu quốc. Gần 70 năm chung sống hạnh phúc, bố mẹ luôn là niềm tự hào, là tấm gương sáng soi đường chỉ lối cho lớp lớp con cháu. Khi hỏi bố tôi về những câu chuyện thời chiến, ông thường kể rất say sưa, nhưng hầu như rất ít nhắc đến bản thân mình. Ông bảo thời ấy ai cũng như ai, ai cũng sẵn sàng chiến đấu và hy sinh, chẳng nề hà, chẳng sợ hãi, những gì mình làm được, có đáng gì so với những hy sinh, mất mát của những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường... Những tư liệu, kỷ vật nơi chiến trường thời chiến tranh Vệ quốc, ông cũng chẳng còn giữ lại được là bao, bởi phải di chuyển liên tục, chiến đấu ở nhiều địa điểm, rồi những lần bị thương, những khi tưởng như chẳng thể trở về... Các đồng đội của ông, người đã ngã xuống trong những trận đánh khốc liệt, người đi qua chiến tranh thì đến giờ cũng hầu như đã về với đất mẹ... Chúng tôi vô cùng may mắn bởi vẫn được chăm sóc ông, thấy ông khỏe mạnh bên con cháu ở cái tuổi xưa nay hiếm, là biểu tượng quật cường của tinh thần bền bỉ, là tượng đài của sự trường tồn, và là gốc rễ của một đại gia đình luôn giữ lửa truyền thống hết mình cống hiến cho Tổ quốc, cho quê hương".
Ý kiến ()