
Viện trợ y tế toàn cầu rơi xuống mức thấp kỷ lục trong 15 năm
Các đợt cắt giảm viện trợ nước ngoài quy mô lớn sẽ khiến nguồn tài trợ cho y tế toàn cầu rơi xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 15 năm qua, đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ suy giảm về đầu tư y tế, đẩy thế giới vào kỷ nguyên thắt chặt chi tiêu y tế toàn cầu. Đây là kết luận trong một nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học Mỹ dẫn đầu, được đăng tải trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet, ngày 15/7.
Theo ước tính của nghiên cứu, sau khi đạt đỉnh ở mức 80 tỷ USD vào năm 2021 – thời điểm cao trào của đại dịch COVID-19, tổng viện trợ toàn cầu cho y tế dự kiến giảm còn 39 tỷ USD trong năm nay. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Nguồn viện trợ - vốn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho các nhóm dân cư nghèo nhất và dễ tổn thương trên toàn cầu đã bị cắt giảm mạnh trong năm nay, trong đó Mỹ giảm mạnh nhất khi cắt tới 67% ngân sách tài trợ y tế toàn cầu so với năm 2024. Tiếp theo là Anh, Pháp và Đức, với mức cắt giảm lần lượt là 40%, 33% và 12%.
Trước loạt động thái cắt giảm viện trợ, các nước thuộc khu vực miền Nam Sahara của châu Phi như Somalia, CHDC Congo – vốn đang chìm trong xung đột – và Malawi sẽ là những nơi chịu tác động nặng nề nhất do phần lớn ngân sách y tế của các nước này phụ thuộc vào nguồn viện trợ quốc tế. Bên cạnh đó, việc cắt giảm viện trợ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác điều trị và phòng ngừa nhiều loại bệnh nguy hiểm, trong đó có HIV/AIDS, sốt rét và lao.
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Đo lường và đánh giá y tế (IHME) có trụ sở tại Mỹ đã kêu gọi tăng cường khẩn cấp nguồn viện trợ y tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo các quốc gia cần tìm kiếm các nguồn tài trợ thay thế để tránh những hệ lụy nghiêm trọng trong tương lai.
Nghiên cứu được công bố đúng vào thời điểm các chuyên gia y tế thế giới đang nhóm họp tại thủ đô Kigali, Rwanda trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học quốc tế về HIV.
Theo một nghiên cứu khác của Lancet công bố hồi đầu tháng, ước tính các đợt cắt giảm viện trợ của Mỹ có thể dẫn đến hơn 14 triệu ca tử vong đáng lẽ có thể ngăn ngừa được từ nay đến năm 2030. Con số này thậm chí vượt xa số binh sĩ thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, ước tính khoảng 10 triệu người./.
Ý kiến ()