Vì sao giá tiêu dùng tăng cao?
Về nguyên nhân tăng cao của giá tiêu dùng, hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng giá tăng chủ yếu là do giá thế giới tăng. Đúng là tháng 9 năm nay so với cùng kỳ năm trước, giá xuất khẩu tăng (như hạt tiêu tăng 103,8%, cà phê tăng 28,9%, gạo tăng 16,6%, hạt điều tăng 4,2%, chè tăng 1,9%,...); giá nhập khẩu tăng (như lúa mì tăng 45%, phôi thép tăng 27,7%, sắt thép tăng 16,1%, chất dẻo tăng 10,9%, phân bón tăng 9,7%, sợi dệt tăng 9,4%, giấy tăng 6,4%, bông tăng 3,6%, xăng dầu tăng 1,3%,...). Khi giá thế giới tăng thì chi phí đầu vào tăng, làm tăng giá bán đầu ra. Các chuyên gia coi lạm phát do nguyên nhân chi phí tăng là "lạm phát chi phí đẩy". Tuy nhiên, nếu coi yếu tố giá thế giới là chủ yếu là hoàn toàn không đúng, bởi nếu như vậy thì tại sao lạm phát ở các nước cũng phải cao, nhưng thực tế chỉ trên dưới 3%; Nhật Bản nghèo nguyên vật liệu, chủ yếu phải nhập khẩu, nhưng đã mấy năm nay lạm phát gần như bằng 0,...?
Có ý kiến cho rằng giá tăng chủ yếu do nguồn hàng, nhất là lương thực, thực phẩm gặp thiên tai, dịch bệnh nên cung không đáp ứng đủ cầu, do đó giá tăng. Các chuyên gia đã gọi lạm phát do cầu tăng hơn cung là lạm phát do "cầu kéo". Tuy nhiên, đó là nói về lương thực, thực phẩm, còn xét toàn bộ nền kinh tế, GDP 9 tháng năm nay tăng 8,2%, nhập siêu lên đến trên 7,6 tỉ USD, tăng trên 4,2 tỉ USD - những con số rất lớn và chưa từng có.
Có ý kiến còn cho rằng giá tăng là do nhập siêu tăng. Nói như thế là nói ngược: tăng cung mà lại làm cho giá tăng?
Như vậy các ý kiến trên đều chưa đủ hoặc chưa đúng. Nguyên nhân chủ yếu là do tiền tệ. Một lượng tiền lớn đã được đưa ra lưu thông trong 6 tháng đầu năm qua để mua USD nhằm tăng dự trữ quốc tế, nhằm tránh cho đồng nội tệ lên giá và khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Một lượng tiền không nhỏ đưa ra đầu tư chứng khoán trước đây, tuy được thu hồi theo Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước, nhưng chủ yếu đối với các ngân hàng thương mại cổ phần có tổng dư nợ tín dụng nhỏ và còn nhiều khoản chưa đến kỳ thu hồi, còn các ngân hàng thương mại có tổng dư nợ tín dụng lớn nhưng tỷ lệ cho vay chứng khoán còn thấp hơn tỷ lệ khống chế, nay thị trường chứng khoán nóng lên là cơ hội cho các ngân hàng này. Đã thế lượng tiền còn ở lưu thông đã quay về ngân hàng chậm hơn do lãi suất huy động giảm.
Dự đoán giá tiêu dùng cả năm nay sẽ tăng xấp xỉ 9%, không thể tăng đến 2 chữ số, nhưng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế là gần như chắc chắn.
Ý kiến ()