Vẻ vang sự nghiệp “trồng người”
Đội ngũ thầy cô giáo là những chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp “trồng người”. Bác Hồ từng căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang”.
Thấm nhuần lời Bác, các thế hệ thầy cô giáo không quản gian khổ trong những thời kỳ khó khăn của đất nước đã đưa con chữ, kiến thức tới những bản làng xa xôi. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước nhà đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, đến nay giáo dục và đào tạo nước ta vẫn chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất cho phát triển.
Đại hội XI của Đảng đề ra chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tại Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI), Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Đề án “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Cả hai đề án này đều liên quan đến sự nghiệp “trồng người”, liên quan đến phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; liên quan đến việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ...
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Để có thể cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, nước ta đang đứng trước yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh dựa nhiều hơn vào yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) và kinh tế tri thức. Sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thời đại toàn cầu hoá, phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ đòi hỏi và cũng tạo điều kiện để nước ta đẩy mạnh toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Những kết quả, thành tựu đã đạt được về quy mô, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có cũng cho phép chúng ta chuyển sang giai đoạn phát triển mới, cao hơn về chất. Đó chính là lý do giải thích vì sao Đại hội XI của Đảng đề ra chủ trương phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Sự nghiệp “trồng người” hôm nay cần được chú trọng đổi mới, đầu tư phát triển, đồng thời cần khuyến khích sự cống hiến nhiều hơn nữa của đội ngũ các thầy cô giáo.
Nguyên Đan
Ý kiến ()