Về Phòng!
Nắng đầu hè đổ lửa. Học sinh nơi nơi kết thúc năm học, bước vào một kỳ nghỉ nhiều mong đợi. Nhớ thời học cấp một, lúc nào cũng ngóng hè về. Ấy là bởi có một miền quê vẫy gọi. Ông bà, cô chú biên thư ra cho bố mẹ đều có câu: Hè này nhớ cho con (cháu) về Phòng nhé!
Chẳng biết có ai gọi như vậy không, nhưng mình quen và thấy thích cách dùng ấy của ông bà, cô chú. “Về Phòng” với mình chính là 3 tháng hè ở vùng quê ngoại ô của thành phố hoa phượng đỏ. Mất một tuần của mùa hè đầu tiên ở đấy, mình lạ lẫm. Các bạn cùng lứa ở quê và cả đám lớn hơn cũng nhìn mình lạ lẫm. Thế mà nhanh, sang tuần thứ hai, thứ ba, chẳng còn ai biết mình là trẻ con nơi khác về đây. Cũng theo bà, theo mợ ra đồng dù lúc đầu chẳng làm được việc gì ra hồn. Nhưng vì chiều đứa cháu ở xa, mọi người cho “thực tập” đủ công việc nhà nông, từ hướng dẫn cầm liềm đến cách cắt lúa, cách đun nấu bếp rơm… Cuối cùng rồi cũng thành thạo hết, duy chỉ có một việc làm mãi không được, ấy là bó lúa.
Mỗi mùa hè “về Phòng”, mình háo hức gặp lại các bạn quê, cùng lứa có, hơn tuổi có. Chính ở đó, mình lần đầu được biết những trò tinh nghịch của trẻ con. Giữa trưa chang chang, ngoài đồng không một bóng người, chúng phân công mình đi bứt lúa nếp để về rang; chiều chiều, cả đám hò nhau đi mót thóc trên con đường làng trải vàng rơm phơi rồi góp lại mang đổi kem mút. Và không thể quên được những buổi tối nô đùa, hò hét ở sân đình, mình được bạn quê bày cho cách ẩn nấp đặc biệt của trò trốn tìm là cứ đống rơm mà chui. Lúc đầu ngọ nguậy vì ngứa ngáy quá đỗi, song, sau đó có lần khiến cả bọn tìm bở hơi tai rồi gọi toáng lên mới chui ra vì mải ngửi mùi rơm thơm, vì chợt ríu mắt rồi thiu thiu.
Cứ hết 3 tháng hè, chú hoặc cô lại đèo mình bằng xe đạp, kẽo kẹt từ quê ra bến Bính, mua vé dẫn lên tàu thuỷ, gửi gắm người ngồi bên cạnh rồi trở lên. Cũng giống y như hành trình lúc “về Phòng”, mẹ chỉ đồng hành từ nhà chở ra bến tàu khách thuỷ Hồng Gai. Mà lạ, suốt nhiều năm cứ một mình như thế “về Phòng”, chưa bao giờ thấy sợ sệt. Bởi tâm trạng cả lúc đi, lúc về đều rất vui. Với lại, cũng chỉ một mình mỗi lúc đi tàu, còn cứ lên bờ, ở cả hai đầu, bố mẹ và cô chú luôn có sự liên lạc trước để định sẵn giờ đi đón.
Suốt những năm tháng tuổi thơ và cho đến bây giờ, hai chữ “về Phòng” luôn là một góc thật đẹp đẽ trong ký ức. Kể cả khi sau này, bố mẹ đã tìm được chính gốc quê nội thì “về Phòng” cũng vẫn là về quê nội. Khi chị em mình lớn lên mới biết, ông bà ở đấy là cậu mợ ruột của bố. Và đấy là quê bà nội. Còn quê ông nội bố chỉ được về một lần lúc bé xíu rồi sau đó cả ông bà đều mất sớm vì thế mà mất liên lạc. Và mấy chục năm trời, “về Phòng” như cách gọi của ông bà, cô chú ở đó với cả gia đình chính là chốn đi về thiêng liêng, yêu dấu.
Bắc Cung
Ý kiến ()