Văn hoá - lực đẩy để phát triển kinh tế xã hội miền núi
Quảng Ninh là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc thiểu số cùng cư trú, sinh cơ lập nghiệp từ lâu đời. Mỗi dân tộc lại lưu giữ những giá trị văn hoá riêng. Các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp ấy đã và đang được tỉnh Quảng Ninh khơi nguồn nhằm phát huy vai trò, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương V (Khoá VIII) về “xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương, dành nhiều sự quan tâm về phát triển văn hoá, trong đó, luôn quan tâm và ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số. Cùng với đầu tư về cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ vốn, cây con giống, kỹ thuật, tỉnh đã đầu tư nguồn lực, xây dựng các thiết chế văn hoá như nhà văn hoá xã, các khu bảo tồn - làng văn hoá ở Bằng Cả (Hạ Long), Nam Sơn (Ba Chẽ), Đại Dực (Tiên Yên), Lục Hồn (Bình Liêu)… Các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào được quan tâm bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị, xây dựng thành các sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá vẻ đẹp con người, vùng đất Quảng Ninh.
Cho đến nay, Hội làng của người Dao ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long), Hội Trà hoa vàng (Ba Chẽ), hội đình Lục Nà (người Tày), hội hát Soóng cọ (người Sán Chỉ), ngày hội Kiêng gió (người Dao Thanh Phán) ở Bình Liêu, ngày hội văn hoá – thể thao dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực (Tiên Yên)… đã được tổ chức đều đặn hàng năm, trở thành điểm hẹn văn hoá, ngày hội văn hoá lớn tại các địa phương. Những trận đá bóng của các cô gái Sán Chỉ xã Húc Động, các cô gái Dao Thanh Phán xã Hải Sơn (Móng Cái) thông qua truyền thông đã được cả nước biết tới, trở thành một sản phẩm văn hoá độc đáo của huyện Bình Liêu.
Góc độ văn hoá ẩm thực, rất nhiều món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số đã trở thành sản phẩm OCOP của Quảng Ninh, được tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trong nước.
Thông qua các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp là những lễ hội, phong tục, tín ngưỡng dân gian được khôi phục, tổ chức, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được vai trò, ý nghĩa của văn hoá để có ý thức hơn trong bảo tồn, phát huy di sản văn hoá của cha ông; thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước để từ đó chung tay nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cuộc sống, cùng với chính quyền giữ vững an ninh trật tự, an ninh chính trị và đảm bảo vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ các lễ hội, ngày hội văn hoá, đồng bào các dân tộc thiểu số có dịp giao lưu văn hoá, từ đó đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế. Minh chứng là tại huyện Bình Liêu đã và đang ngày càng mọc lên nhiều hộ cá nhân, gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch như homestay, hướng dẫn viên, cho thuê lều cắm trại.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Đó là những quan điểm, nội dung nổi bật tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức ngày 24/11 vừa qua để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Ý kiến ()