
"Văn hoá biển Hạ Long có sức sống mãnh liệt"
GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, từng là Chủ nhiệm bộ môn văn hoá học và lịch sử văn hoá, Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Dù ở vị trí nào, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cũng là nhà khoa học cống hiến hết mình và có nhiều đóng góp nổi bật. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá biển, hệ thống biển đảo và cảng biển. Nhân dịp GS.TS Nguyễn Quang Ngọc có chuyến công tác tại Quảng Ninh, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông.
- Từng có nhiều nghiên cứu về lịch sử, văn hoá của Quảng Ninh, xin Giáo sư cho biết, giá trị lớn nhất của Văn hóa Hạ Long là gì?

+ Vịnh Hạ Long kỳ quan 3 lần được UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Đó là vinh dự vô cùng lớn mà không phải nơi nào cũng có được. Thực ra mà nói kỳ quan thiên nhiên nhưng cái chính là được sự bảo tồn vinh danh của con người. Kỳ quan thiên nhiên bao giờ cũng gắn với giá trị văn hoá di sản. Đây là nơi chứng kiến quá trình hình thành và phát triển của người Việt cổ từ Văn hoá Soi Nhụ đến Văn hoá Cái Bèo và sau là Văn hoá Hạ Long.
Đặc biệt, Văn hoá Hạ Long là nguồn lực văn hoá lớn kết tụ tạo thành bản sắc văn hoá Việt Nam. Văn hóa Hạ Long chính là cơ sở để tạo ra nguồn lực kết hợp với văn hoá biển và văn hoá lục địa tạo ra sự ra đời của các nhà nước sơ khai trên lãnh thổ Việt Nam chúng ta.
Đó là giá trị cực lớn của nền văn hoá biển đầu tiên Việt Nam tạo ra sức sống cho quốc gia dân tộc Việt Nam từ ngày lập quốc cho đến bây giờ. Cho nên dễ hiểu vì sao trong truyền thuyết Hạ Long gắn với rồng, gắn với Lạc Long Quân - Âu Cơ. Sự kết quyện giữa văn hoá biển và văn hoá lục địa, kết tinh sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt Nam.
- Sức mạnh tinh thần đó được thể hiện như thế nào trong lịch sử, thưa Giáo sư?
+ Văn hoá biển Hạ Long có sức sống mãnh liệt. Ở Vịnh Hạ Long, các giá trị càng được nhân lên trong những điều kiện mới. Ví dụ như trong thời Lý Trần chẳng hạn hay đầu thời độc lập đã tạo ra sức sống Bạch Đằng, truyền thống Bạch Đằng tạo ra cội nguồn sức mạnh cho dân tộc ta đánh bại các đại đế chế hùng mạnh trên thế giới sang xâm lược nước ta. Sau này, đến các giai đoạn tiếp theo, vùng biển này luôn hội tụ sức mạnh cả dân tộc. Vì thế mà để lại khối lượng di sản rất đồ sộ. Riêng ở Hạ Long này có 90 di sản văn hoá, mỗi di sản đều có giá trị đặc biệt. Rất tiếc chúng ta chưa khai thác được nhiều. Nói ngay như cả cái di sản thiên nhiên tuyệt vời nhất thế giới, chúng ta cũng đã khai thác được mấy đâu.

- Theo Giáo sư, chúng ta phải làm như thế nào để khai thác tốt hơn những giá trị đó?
+ Đất nước chúng ta có khoảng 3.000 hòn đảo thì riêng Vịnh Hạ Long đã có 2.000 đảo rồi, nghĩa là chiếm đến 2/3 cả nước. Trong khi đó mỗi đảo có một câu chuyện mà chúng ta đã biết được mấy đâu. 2.000 đảo là 2.000 câu chuyện về thiên nhiên văn hoá con người vô cùng kỳ thú.
Nhân chuyện của đảo đá Hạ Long, chúng ta cần có nhận thức mới về di sản văn hoá. Không phải cứ cái gì đời trước để lại cũng là di sản. Di sản phải hiểu là quá trình di sản hoá, là quá trình thừa nhận của con người. Đảo đá đẹp lắm, hay lắm nhưng cộng đồng dân cư ở đây phải thừa nhận, phải nhận được đánh giá bảo vệ và phát huy giá trị của chính con người sống trong vùng di sản. 2.000 đảo đá có muôn vàn câu chuyện hay cần được nhân lên.
Tuy nhiên, trong số 2.000 hòn đảo chưa chắc đã là di sản cả nhưng chúng ta phải biết biến 2.000 hòn đảo này thành cả di sản. Phải cho nó những câu chuyện mới. Đó là cách chúng ta nâng tầm giá trị di sản Vịnh Hạ Long. Đó là công việc trong tầm tay chắc chắn chúng ta sẽ làm được nếu như chúng ta muốn gìn giữ và phát huy giá trị di sản biển đảo Vịnh Hạ Long. Điều quan trọng là chúng ta phải quảng bá câu chuyện của nó cho mọi người biết. Đó là câu chuyện của chiều sâu văn hoá, câu chuyện của những đảo đá nằm nhiều ở tâm linh. Người ta nghe xong phải thấy nó thiêng. Tuy câu chuyện nó trừu tượng thôi nhưng phải thấy nó là nguồn động viên sức mạnh tinh thần. Thực tế hiện nay, chúng ta quảng bá còn hạn chế, du khách đến Vịnh Hạ Long chỉ thấy cái quan sát được bên ngoài chỉ là đá và nước chứ chưa chạm đến trái tim của người tham quan.

- Nghĩa là chúng ta phải khai thác tốt hơn kinh tế biển?
+ Đúng vậy. Đây là thời đại cả thế giới vươn mình ra biển. Không vươn ra biển thì không thành cường quốc được. Đó là cơ hội lớn trời cho để chúng ta vươn tầm. Chúng ta mạnh về biển, làm giàu từ biển. Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản vẫn phải dựa vào kinh tế biển. Cần có những nghiên cứu khai thác phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long trong sự kết quyện của di sản thiên nhiên với di sản văn hoá. Hai di sản đó hoà quyện với nhau nâng tầm nhau lên tạo thành giá trị quý báu của Hạ Long.
- Bên cạnh Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh còn có những di sản rất tầm cỡ khác. Theo Giáo sư, phải kết nối các di sản này như thế nào?
+ Quảng Ninh có lợi thế không đâu có được. Bên cạnh Vịnh Hạ Long còn có hệ thống núi mà hành cung Đông Triều như con rồng lớn từ trên cao hạ xuống. Đấy cũng là kỳ quan thiên nhiên tuyệt vời khác. Các cụ nhận ra đây là nơi mà hội tụ hồn cốt sông núi, nơi tối linh, tối thiêng. Vì thế mà Đạo giáo, rồi Phật giáo đều hội tụ về đây cả. Người ta chẳng nói phật tử chưa về Yên Tử chưa về cõi tu đó sao.
Quảng Ninh có sự kết tụ giá trị biển đảo với sông núi cùng di sản văn hoá. Phật giáo Yên Tử gắn với thiền phái Trúc Lâm, với Phật hoàng Trần Nhân Tông là đỉnh cao của giá trị văn hoá thời Lý Trần, là linh hồn cốt lõi văn hoá dân tộc. Qua một chút sang Côn Sơn - Kiếp Bạc của Hải Dương hay sang Bắc Giang cũng vẫn là vùng văn hóa đó. Nếu được UNESCO vinh danh di sản thế giới thì thật vô cùng vinh dự. Khi đó, Quảng Ninh ở bên ngoài biển có Hạ Long di sản thiên nhiên thế giới, bên trong lại có di sản văn hoá thế giới thì thật không nơi nào có được.

- Theo Giáo sư, tại sao có thể nói, Phật giáo Trúc Lâm là đỉnh cao của giá trị văn hoá thời Lý Trần, là linh hồn cốt lõi văn hoá dân tộc?
+ Chính trị của thời Lý Trần, nền chính trị thân dân hết sức cốt lõi cơ bản. Tinh thần Phật giáo trở thành nguồn lực. Người lãnh đạo nhận ra Phật giáo có khả năng cố kết được sức mạnh cộng đồng, sức mạnh cả dân tộc. Sau tổ chức kháng chiến chống Nguyên Mông, Trần Nhân Tông đã trở thành Phật hoàng sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ông tập hợp sức mạnh toàn dân trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Kháng chiến thành công, ông từ bỏ ngai vàng lên Yên Tử tu. Có tu đấy nhưng lại biết được hết mọi chuyện. Lên đó có thể lập được những chiến lược cho đất nước.
- Trân trọng cảm ơn Giáo sư đã trả lời phỏng vấn!
Ý kiến ()