
Vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Ninh xác định các hợp tác xã có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân, mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất liên quan mật thiết với các tiêu chí khác. Vậy nên, hình thức sản xuất chính là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững trong xây dựng NTM, bởi hình thức sản xuất tác động trực tiếp đến việc nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ngay từ khi bước vào triển khai chương trình xây dựng NTM, việc thành lập hợp tác xã được các địa phương đặc biệt chú trọng và xác định, kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và là cơ sở, lực lượng cốt lõi trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nhằm nâng cao vai trò của hợp tác xã trong xây dựng NTM, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã, các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM cho cán bộ, xã viên nâng cao nhận thức về hợp tác xã kiểu mới, thấy rõ được vai trò, nhiệm vụ trong thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương. Mặt khác, nhân rộng các mô hình hợp tác xã thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM; vận động, hỗ trợ, khuyến khích thành lập các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo Luật; khuyến khích hợp tác xã mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ kinh doanh, nhất là các dịch vụ đầu ra.
Hải Sơn, xã vùng cao của TP Móng Cái với tỷ lệ người đồng bào DTTS chiếm gần 90%. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, qua gần 15 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bà con nông dân Hải Sơn với sự cần cù lao động sản xuất, vượt khó vươn lên đã tạo lên sự khởi sắc đáng ghi nhận nơi địa đầu biên giới của Tổ quốc. Tuy nhiên, trong phát triển kinh tế người dân vẫn gặp khó khăn, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp của các hộ dân vẫn nhỏ lẻ, trong khi nếu cấp ủy đảng, chính quyền xã Hải Sơn vận động và chọn lựa được những hộ dân đáp ứng đủ điều kiện cùng nhau thành lập hợp tác xã, thì không ít sản phẩm nông sản phù hợp với điều kiện canh tác của người dân thông qua liên kết hợp tác xã xây dựng thương hiệu, bao tiêu sản phẩm và nâng cao giá trị để trở thành sản phẩm hàng hóa.

Để thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Xuất phát từ điều kiện thực tiễn của địa phương, từ năm 2023 mô hình tổ liên kết giữa hộ dân với hộ dân trong trồng cây sắn vàng của xã được thành lập.
Đồng thời, từ sự vào cuộc của xã đã nhân lên niềm tin đối với người dân, nhiều hộ dân trước đây bỏ hoang ruộng đất, thì nay đã không chỉ cải tạo lại các vùng đồi bỏ hoang trước để trồng cây sắn vàng. Và theo chủ trương của xã hướng cho người dân phát triển mô hình trồng cây sắn vàng ở một diện tích nhất định, tránh việc người dân tự phát mà tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Đến nay sau hơn 2 năm thực hiện mô hình liên kết theo hình thức tổ hợp tác, triển khai trồng khoảng 5ha. Hiện Hải Sơn đang tiến hành vận động và chọn lựa các hộ dân trong tổ liên kết thành lập hợp tác xã và xây dựng sản phẩm sắn vàng tham gia chương trình mỗi xã phường một sản phẩm.
Thực tiễn xây dựng NTM, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX nếu phát triển đúng hướng sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng NTM và điều đó cho thấy, trong những năm gần đây, với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả hoạt động được nâng cao với đủ các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất - kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. Tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.087 HTX, đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng HTX, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 768 HTX, chiếm 70,65%, 2 liên hiệp HTX; thu hút gần 75.000 thành viên và lao động, tổng vốn điều lệ 4.398 tỷ đồng. Đóng góp của khu vực KTTT, HTX vào GRDP của tỉnh khoảng 1,2%/năm.
Ý kiến ()