
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Liên minh Hợp tác xã
Ngày 14/4, đồng chí Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã (HTX) để đánh giá về tình hình hoạt động, khả năng phát triển và giải quyết các bất cập, vướng mắc.
Hiện nay, toàn tỉnh có 3 Liên hiệp HTX và 1.087 HTX, trong đó có 710 HTX đang hoạt động, có kê khai thuế, nằm trong tốp các địa phương có số HTX tăng nhanh nhất cả nước. Các HTX trên địa bàn tỉnh phát triển theo chiều sâu, năng động, chất lượng, hiệu quả, bền vững với nhiều mô hình hợp tác, liên kết. Các HTX đang huy động trên 3.500 tỷ đồng vào sản xuất kinh doanh, đóng góp vào nền kinh tế tỉnh 1,2% GRDP; tạo việc làm cho gần 75.000 lao động, chiếm 10,9% lực lượng lao động toàn tỉnh, là một nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế.
Trong số các HTX đang hoạt động, có 71% HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, là động lực quan trọng trong hệ thống sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi biển, phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh. Các HTX đang phát triển theo mô hình chuỗi giá trị, cung cấp nguyên liệu, sơ chế ban đầu, đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là nền tảng cho liên kết chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa.

Tại khu vực kinh tế tư nhân, HTX có sự phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, ngành nghề, rộng khắp trên địa bàn tỉnh đã tạo nên một phong trào sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần thực hiện hiệu quả ba chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi, hải đảo và ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh ở cơ sở.
Tại buổi làm việc, Liên minh HTX, đại diện các HTX đã trao đổi, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động của HTX trong thời gian tới, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển KT-XH của tỉnh như: một số khó khăn về chính sách tín dụng, đất đai, thủ tục giao biển để mở rộng đẩy mạnh sản xuất thủy sản…; đồng thời đề nghị, tỉnh có các chính sách hỗ trợ kết nối tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, hình thành các chuỗi cung ứng, đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần nỗ lực, chủ động của Liên minh HTX cùng các doanh nghiệp đã tích cực sản xuất, đổi mới mô hình kinh doanh, đóng góp vào phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Đồng chí nhấn mạnh, HTX đã trở thành một kênh huy động nguồn lực trong dân, thành phần kinh tế quan trọng để phát triển, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển KT-XH. Vì thế, việc phát triển kinh tế hợp tác là nhiệm vụ trọng tâm, cần đổi mới, thúc đẩy để phát triển.
Trên cơ sở đó, đồng chí đề nghị các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh phối hợp, đồng hành, hỗ trợ các HTX tháo gỡ khó khăn, ứng dụng công nghệ... để nâng cao năng lực, chất lượng sản xuất. Trong quá trình thực hiện, cần quan tâm đẩy mạnh tổ chức sản xuất và mô hình quản lý sản xuất tập trung, tham gia liên kết sản xuất vào HTX, thúc đẩy sáp nhập HTX nhằm tạo ra xu hướng liên kết, hợp nhất, sáp nhập để là động lực cho các HTX phát triển.

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất của các HTX sẽ tạo nên vành đai kinh tế xanh cho phát triển đô thị Quảng Ninh theo hướng xanh, bền vững; tạo việc làm ổn định cho lực lượng lao động địa phương... do vậy cần có cơ cấu dịch vụ, công nghiệp hiện đại, áp dụng mô hình phát triển loại hình HTX hiện đại nhằm giúp cho sự đầu tư, liên kết của các doanh nghiệp phát triển vững chắc, giảm chi phí đầu vào, sản phẩm có tính cạnh tranh cao; giúp cho xã hội giảm chi phí tiêu dùng, tăng tích lũy và công bằng xã hội.
Đồng chí lưu ý cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt HTX trong tỉnh chất lượng, có trình độ thực tiễn sản xuất, thực tiễn thị trường; đẩy mạnh đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ để HTX phát triển các tiêu chí theo xu hướng của thế giới, nghiên cứu triển khai xây dựng mô hình HTX hạnh phúc…
Ý kiến ()