
Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, bão lũ, sạt lở
Quảng Ninh là tỉnh miền núi, trung du nằm ở vùng duyên hải, với hơn 80% đất đai là đồi núi, có hệ thống sông, suối dày đặc nên tình hình thiên tai diễn ra rất phức tạp và bất thường. Chính vì thế, tỉnh luôn chú trọng nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó với thiên tai nhằm giảm thiểu những tổn thất về người, tài sản của nhân dân, Nhà nước, xây dựng tỉnh có khả năng quản lý rủi ro thiên tai và cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.
Các cấp, ngành chức năng đã chủ động kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó thiên tai. Tỉnh duy trì hệ thống thông tin cảnh báo sớm thiên tai (30 trạm đo mưa tự động và 8 hệ thống giám sát vận hành tại các hồ chứa nước lớn, có cửa van điều tiết). Năm 2024, Quảng Ninh đã lắp đặt thêm 10 điểm đo mưa tự động, nâng tổng số điểm đo mưa tự động trên toàn tỉnh lên 30 điểm (tăng 20 điểm so với trước năm 2021) tại khu vực thượng lưu hồ chứa và các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, phục vụ tốt công tác tham mưu, chỉ đạo phòng, chống thiên tai. Công tác thông tin, cảnh báo thiên tai được kết hợp giữa công cụ truyền thống (loa phóng thanh...) và phương tiện hiện đại (zalo, facebook...) tạo điều kiện nhanh chóng cho việc tiếp cận thông tin của người dân và cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng tăng cường công tác quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi (gồm: 176 hồ chứa nước đang hoạt động, 104 trạm bơm tưới, tiêu các loại, 476 đập dâng nước) để đảm bảo an toàn công trình, duy trì và phát huy công suất của các công trình hiện có. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, thống kê đánh giá trữ lượng nguồn nước tại các hồ chứa nước lớn và vừa của tỉnh (6 lần/tháng vào các ngày 05, 10, 15, 20, 25 và ngày cuối tháng) để có chỉ đạo hướng dẫn kịp thời các đơn vị quản lý công trình vận hành, điều tiết phù hợp.
Tỉnh cũng kịp thời khắc phục các công trình đê, đập dâng bị ảnh hưởng do thiên tai, nâng cao an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xây dựng, củng cố toàn diện hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn chống lũ, bão cho các tuyến đê, góp phần bảo đảm an toàn cho nhân dân, ổn định phát triển kinh tế - xã hội trước thiên tai, biến đổi khí hậu.
Song song với đó, Quảng Ninh cũng tập trung chỉ đạo, ban hành kịp thời văn bản, hướng dẫn, kiểm tra liên quan đến công tác quản lý nhà nước lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh: Quản lý rừng bền vững; quy hoạch lâm nghiệp; phòng cháy chữa cháy rừng; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng; giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng... Công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp được quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tập trung chỉ đạo công tác thẩm định nghiên cứu lập quy hoạch các công trình, dự án; đánh giá kỹ lưỡng dự án, điều chỉnh, loại bỏ diện tích có rừng tự nhiên ra khỏi khu vực dự án; không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, trừ dự án đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Tiếp nhận bản đồ Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia và bàn giao cho các đơn vị cơ sở để thực hiện.
Hiện nay, Quảng Ninh đang chuẩn bị bước vào mùa mưa bão năm 2025 với nguy cơ phải đối diện với nhiều đợt thiên tai có thể gây thiệt hại về người và tài sản. Do vậy, nâng cao năng lực dự báo, chủ động chuẩn bị phòng, tránh thiên tai là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách hàng năm đối với chính quyền và người dân trên địa bàn.
Ý kiến ()