Vạch áo cho người xem... gan ruột
Ấy là vào một buổi chiều, bạn tôi, hiện đang làm giám đốc mỏ điện gọi tôi đến. Chân ướt, chân ráo vừa bước vào phòng khách, bạn nói luôn:
- Mình vừa chơi bài ngửa với cánh nhà báo các ông!
- Nhà báo nào? Sấp ngửa gì?
- Chả là tuần trước có nhà báo gọi điện vào số di động, hẹn gặp, yêu cầu giám đốc trả lời đơn tố cáo của công nhân. Mình nói: - Mời chị xuống.
Đúng hẹn, nhà báo tới. Ngoài thẻ, còn có cả giấy giới thiệu chức vụ trưởng phòng. Xem giấy xong mình nói, giọng nhẹ nhàng:
- Chị cần hỏi ai, cần tài liệu gì, xin chị cứ nói!
- Tôi muốn gặp công nhân!
Thế là mình lệnh cho văn phòng lấy xe con chở nữ nhà báo đi. Chiều gặp lại, nhà báo nói:
- Chúng tôi mới hỏi một số người viết đơn tố cáo, nhưng đã thấy rõ hơn mức độ sai phạm của giám đốc trong việc mua vật tư và trong quan hệ với nữ nhân viên...
Tôi chóng người trước sự quy chụp ấy nhưng vẫn bình tĩnh. Thấy tôi không nói gì, nữ nhà báo tiếp lời: - Chuyện này tôi đi nhiều, tôi biết và có thể thông cảm được. Nhưng anh cũng cần thông cảm với chúng tôi thì ta bàn cách tháo gỡ...
- Vâng chị cứ nói!
- Là thế này, anh cho chúng tôi cái quảng cáo 50 triệu để lấp vào chỗ trống cho bài điều tra này.
- Thú thực với chị, doanh nghiệp chúng tôi không có nhu cầu quảng cáo.
- Tuỳ anh lựa chọn. - Nhà báo nói và để lại địa chỉ, hẹn tuần sau tôi phải trả lời.
Cả tuần sau, ngày nào mình cũng nhận được điện thoại. Thấy số máy của nữ nhà báo hiển thị trên máy là mình tắt. Sáu ngày, 10 cuộc gọi, mình đều im lặng. Đến ngày thứ 7 nhà báo nhắn tin. Đại ý là nếu không cho quảng cáo thì báo sẽ đăng bài điều tra: “Gửi giá khi mua vật tư, quan hệ bất chính với nữ nhân viên văn phòng”. Mình lưu tin nhắn, và điện mời nhà báo trở lại mỏ. Chiều ấy, cùng tiếp với mình có trưởng phòng bảo vệ và một cán bộ làm công tác thi đua tuyên truyền. Nữ nhà báo vừa ngồi xuống ghế, mình đốp ngay:
- Chị đã đe doạ, tống tiền chúng tôi!
Mình nói, rồi đọc to tin nhắn trong máy và yêu cầu trưởng phòng bảo vệ lập biên bản. Thế là môi son, má phấn bay đâu hết. Mặt trắng bệch ra, nữ nhà báo chạy lại phía mình xin lỗi.
- Nếu chị biết sai thì tôi sẽ xé biên bản này đi và không đưa ra cơ quan pháp luật...
Bạn tôi khẳng định câu chuyện trên là có thực 100%, thậm chí anh còn đọc tên tuổi của nữ nhà báo nọ cho tôi nghe. Bỗng dưng chén trà tôi đang uống đắng ngắt. Tôi thấy xấu hổ vì cô bạn đồng nghiệp. Nghĩ chẳng nên nhắc lại chuyện này làm gì. Tốt khoe ra, xấu xa đậy lại. Các cụ dạy thế. Nhiều cơ quan, xí nghiệp, nhiều người đang làm như thế. Nhưng bình tâm mà nghĩ lại, bạn kể cái dở của mình, chính là bạn yêu thương mình, mong mình ngày càng tốt hơn. “Thuốc đắng dã tật” mà! Nghĩ thế nên tôi quyết làm cái chuyện ngược đời, kể lại câu chuyện này, “khoe” cái xấu của đội ngũ mình ra, vạch áo để bạn đọc nhìn gan ruột nhà báo. Làm việc này, dù cay đắng, nhưng tôi lại xúc động, thấy mình đã sống thật với chính mình!
Ý kiến ()