
Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thải, nước thải
Công ty CP Xử lý chất thải miền Đông đang áp dụng nhiều giải pháp công nghệ hiện đại, tiên tiến, góp phần đáng kể vào công cuộc bảo vệ môi trường, hướng đến thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn từ hoạt động xử lý rác thải.
Nhà máy xử lý chất thải của Công ty CP Xử lý chất thải miền Đông được đặt tại thôn 5, xã Hải Ninh, có công suất xử lý 135-150 tấn rác/ngày. Hiện nay, nhà máy đang xử lý toàn bộ lượng rác sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường tại khu vực, vận hành dựa trên 2 công nghệ chính: Ủ phân compost và đốt rác.
Trong giai đoạn trước, rác thải được phân loại, phần hữu cơ được ủ hiếu khí tạo phân compost, phần rác không phân hủy được sẽ đưa vào lò đốt. Cùng với đó, nhà máy còn triển khai các giải pháp phụ trợ như xử lý khí thải bằng hệ thống bể khí, xử lý nước thải bằng bể sinh học và hóa học, tái chế tro xỉ thành gạch block, nhựa phế thải thành hạt nhựa tái sinh.

Tuy nhiên, dù đã áp dụng nhiều công nghệ, tỷ lệ rác phải chôn lấp vẫn còn cao, quá trình đốt rác còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm không khí do lượng khí thải, khói bụi phát sinh. Trước thực tế này, công ty đã chủ động triển khai nâng cấp, cải tiến toàn bộ dây chuyền công nghệ nhằm tăng hiệu suất xử lý, giảm thiểu ô nhiễm và hướng đến phát triển bền vững.
Để tối ưu hóa quá trình xử lý, công ty đã tập trung vào việc ứng dụng những công nghệ mới đang được đánh giá cao trong xử lý rác thải hữu cơ, đầu tư các lò đốt chất thải công nghiệp công suất lớn và xây dựng xưởng tái chế nhựa phế thải. Đặc biệt, công ty đã sử dụng các chủng vi sinh chất lượng cao như Sagibio (sản phẩm của Viện Công nghệ môi trường, thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) trong quá trình xử lý rác hữu cơ.
Việc ứng dụng vi sinh thay thế hóa chất giúp giảm thiểu độc hại, rút ngắn thời gian xử lý, xử lý triệt để mùi hôi và đảm bảo an toàn cho người lao động. Công nghệ này thân thiện với môi trường và phù hợp với xu hướng xanh hóa trong công tác xử lý chất thải.

Bên cạnh đó, Công ty CP Xử lý chất thải miền Đông cũng hợp tác với Viện Công nghệ môi trường để thiết kế và lắp đặt lò đốt chất thải công nghiệp công suất lớn. Lò đốt này đã được cấp bản quyền, đoạt giải thưởng cấp Nhà nước và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về môi trường, giúp nâng cao chất lượng xử lý, cũng như giải quyết triệt để tình trạng ùn ứ rác thải.
Một điểm nhấn nổi bật trong hoạt động của công ty là việc triển khai đề tài khoa học cấp Nhà nước phối hợp cùng Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Dự án nhằm xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác từ bãi chôn lấp - một vấn đề nan giải lâu nay tại các địa phương.
Dựa trên sáng chế số 7430 thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, hệ thống xử lý nước rỉ rác được xây dựng tại nhà máy với công suất 50m³/ngày đêm. Thiết bị sử dụng công nghệ trộn khí tầng sôi và xử lý sinh học giúp đưa lượng oxy lớn vào nước thải, tạo điều kiện lý tưởng cho các vi sinh vật hoạt động hiệu quả. Kết quả là thời gian xử lý được rút ngắn, trong khi chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn cột B1 của QCVN 25:2009/BTNMT và các chỉ tiêu khuyến khích khác theo QCVN 40:2011/BTNMT.

Ông Phạm Tiên Phong, Giám đốc Công ty CP Xử lý chất thải miền Đông, cho biết: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã tạo động lực lớn trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giúp Việt Nam tiến nhanh hơn tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Nghị quyết này đã giúp định hướng chiến lược cho công ty trong thời gian tới.
Tại nhà máy, các thành phần trong rác thải sinh hoạt được khai thác để tạo ra sản phẩm có giá trị. Cụ thể, 80% lượng rác hữu cơ được xử lý thành phân compost; khoảng 40% nhựa phế thải được tái chế thành hạt nhựa. Mặc dù vẫn còn những hạn chế như việc rác chưa được phân loại tại nguồn và đầu ra cho sản phẩm tái chế còn khó khăn, công ty đang đầu tư thêm thiết bị phân loại và cải tiến quy trình để tăng tỷ lệ thu hồi, tạo giá trị cao hơn cho sản phẩm và giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp hoặc đốt.
Đặc biệt, xưởng tái chế nhựa phế thải đang được công ty đưa vào vận hành thử nghiệm và bước đầu ghi nhận kết quả tích cực. Việc tái chế nhựa thành hạt nhựa sử dụng lại giúp giảm tác động tiêu cực từ rác thải nhựa - một trong những vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay.
Ý kiến ()