UBND tỉnh sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về quản lý tài nguyên than, khoáng sản
Ngày 5/5, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 9/5/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu quả các nguồn nguyên liệu sau khai thác, tháng 5/2019 Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU (thay thế Nghị quyết số 12-NQ/TU) tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh… Sau 3 năm triển khai, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, ngành than và các đơn vị hoạt động khoáng sản, công tác quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh than, khoáng sản đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức cho các cơ quan quản lý nhà nước, ngành than và các đơn vị hoạt động khoáng sản trong nhiệm vụ quản lý khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh, khoáng sản, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Trách nhiệm vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản được chú trọng, nâng cao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện được tăng cường, đánh giá đúng tình hình, bám sát đặc điểm địa phương, đơn vị để có kế hoạch, giải pháp quản lý phù hợp thực tiễn, phát hiện xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm.
Từ đó, chấm dứt và kiểm soát được tình trạng khai thác than trái phép; hoạt động khai thác đá, sét, cát, nạo vét luồng lạch thu hồi khoáng sản đã đi vào nề nếp và được kiểm soát toàn diện; hoạt động vận chuyển, kinh doanh than được kiểm soát, xử lý kịp thời; thúc đẩy việc đầu tư các tuyến băng tải than chuyên dụng; các cảng, bến, không để xảy ra vi phạm phổ biến về luồng tuyến vận tải than.
Song song với đó, các sở, ngành và địa phương đã luôn đồng hành, hỗ trợ ngành than và các đơn vị trong giải quyết các khó khăn vướng mắc, trong thực hiện các thủ tục về thuê đất để hoạt động khoáng sản, giải quyết thủ tục về môi trường, cấp, gia hạn giấy phép khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản, tiêu thụ than tại cảng, bến theo đúng quy định.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh không có các điểm phức tạp về khai thác than trái phép; công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than, khoáng sản đã được kiểm soát toàn diện; trật tự trong khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than, khoáng sản được giữ vững; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và ngành than ổn định sản xuất, phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai Nghị quyết số 16-NQ/TU ở một số cấp ủy, địa phương, đơn vị còn chưa kịp thời; công tác nắm bắt, quản lý địa bàn có thời điểm chưa chặt chẽ; công tác phối hợp, trao đổi thông tin có lúc còn chồng chéo, thiếu đồng bộ. Việc hoàn thiện, trình duyệt quy hoạch chi tiết các vùng than còn chậm, chưa thực hiện đúng tiến độ cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, trả lại đất cho địa phương quản lý để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội... gây bức xúc trong nhân dân, dư luận.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành và địa phương đã dành thời gian tập trung đánh giá, phân tích kết quả đạt và chưa đạt trong triển khai Nghị quyết số 16-NQ/TU. Từ đó chỉ rõ những nguyên nhân, vướng mắc như: địa bàn khai trường khai thác, sản xuất than, khoáng sản rộng; chế tài xử lý vừa nhẹ, vừa thiếu răn đe cần thiết; việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của cấp ủy, chính quyền một số cấp phường, xã còn hạn chế, chưa xác định được tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; công tác kiểm tra, kiểm soát nắm tình hình trong ranh giới được giao có nơi chưa chặt chẽ khi xảy ra vụ việc thì lúng túng trong xác định trách nhiệm quản lý...
Kết luận hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã bám sát tinh thần Nghị quyết, triển khai có hiệu quả các mục tiêu.
Đồng chí nhấn mạnh: Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, nhất là cơ chế, trách nhiệm được củng cố, thực hiện có hiệu quả. Đã hạn chế tối đa các vấn đề tiêu cực trong công tác quản lý về than, khoáng sản, không để xảy ra điểm nóng. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết, các ngành, địa phương mới chỉ chú trọng quản lý về khoáng sản than, trong khi các khoáng sản khác vẫn chưa được quan tâm đúng tầm; một số quy định trong bối cảnh hiện nay đang không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế tuần hoàn...
Trên cơ sở đó, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện đánh giá kỹ, sâu, có sự cân đối, rà soát và điều chỉnh bám với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, của tỉnh để báo cáo BCH Đảng bộ tỉnh điều chỉnh một số nội dung trong nghị quyết.
Đồng chí lưu ý, các đơn vị liên quan cần quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn về công tác vận chuyển, tiêu thụ than, bã sàng, đá xít, đất đá lẫn than phục vụ sản xuất các nhà máy có nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, quan tâm hơn nữa đến công tác khai thác, chế biến khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường...
Ý kiến ()