Tụt hậu chất lượng nguồn lao động
Một số quốc gia khu vực từng xếp sau VN trước đây như Indonesia, Malaysia nay đã vượt lên, còn chúng ta lùi lại. Sự tụt hạng về giáo dục của VN không chỉ nói lên chất lượng giáo dục đào tạo của quốc gia, mà còn cho thấy một nguy cơ rất lớn về nguồn lao động có trình độ cao trong tương lai, đây là vấn đề rất đáng lo ngại.
Diễn đàn Kinh tế thế giới ngày 8.10 vừa qua tại Thụy Sĩ công bố báo cáo xếp hạng về khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế, năm nay VN tụt 2 bậc. Để nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao thì phải đảm bảo được nhiều tiêu chí, trong đó có đào tạo và giáo dục đại học và mức độ sẵn sàng công nghệ. Các chuyên gia nhận định, chất lượng hệ thống giáo dục VN rất thấp dẫn tới khả năng cạnh tranh non kém. Thời gian gần đây, đầu tư cho giáo dục của chúng ta đã tăng lên, nhưng chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Hệ thống trường học của VN nhìn chung còn lạc hậu cả về quy mô lẫn chất lượng. Đặc biệt, chất lượng đào tạo ở các trường đại học còn rất thấp.
Thế nhưng vừa qua có ý kiến tại hội nghị giáo dục rằng VN phấn đấu lọt vào top 200 đại học hàng đầu thế giới. Quả thật chúng ta vẫn chưa bỏ được thói quen chạy theo thành tích duy ý chí mà quên mất thực tế là còn nhiều vấn đề căn bản liên quan đến hệ thống, chương trình giáo dục đào tạo nói chung cần được bàn thảo đưa ra giải pháp hiệu quả.
Một vấn đề khác là triết lý giáo dục. Triết lý đó là linh hồn của giáo dục, điều này quan trọng hơn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Cái triết lý đó cũng cần phải bàn vì đã từ bao năm nay, ngành giáo dục phải đối mặt với một thực tế, đó là người học sử ghét sử, học văn chán văn, học triết sợ triết. Sinh viên phải nhồi nhét những thứ quá lạc hậu, mất thời gian là một chuyện, nhưng nguy hiểm hơn là dẫn tới tư duy bị hạn chế, không tiếp thu được kiến thức mới và không được đánh thức sáng tạo...
Báo cáo khách quan của các tổ chức uy tín thế giới là cơ hội để chúng ta tự nhận thức, tự nhìn lại mình. Nền giáo dục không sản sinh được nhiều người giỏi, không đào tạo ra lực lượng trí thức có suy nghĩ độc lập, sáng tạo, không hình thành được một đội ngũ lao động có chất lượng cao, có tác phong công nghiệp, có trình độ KHKT và công nghệ cao thì thật khó có thể nói đến phát triển, giàu mạnh, hùng cường.
Ý kiến ()