
Từ thương cảng cổ tới xã đảo anh hùng
Nằm giữa vịnh Bái Tử Long, xã đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) nổi bật với cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ và bề dày lịch sử. Từ thời dựng nước đến kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi đây luôn giữ vai trò chiến lược, gắn với thương cảng cổ Vân Đồn - thương cảng đầu tiên của Đại Việt.
Địa hình xã đảo gồm 42 đảo lớn, nhỏ, trong đó 4 đảo chính là Ngọc Vừng, Kim Tiền (Vạn Cảnh), Phượng Hoàng và Hạ Mai. Tương truyền, tên gọi của các đảo phản ánh sự giàu có của hòn đảo: Ngọc Vừng - "vầng ngọc" sáng giữa đại dương.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Ngọc Vừng từng thuộc bộ Ninh Hải thời Hùng Vương, là vùng đất giữ vai trò trọng yếu trong phòng thủ biển Đông Bắc. Năm 1149, vua Lý Anh Tông lập trang Vân Đồn, mở cửa giao thương quốc tế, đánh dấu sự ra đời thương cảng đầu tiên của Đại Việt. Ngọc Vừng nằm ở vị trí án ngữ phía Tây, cùng các đảo lân cận tạo thành vành đai bảo vệ tự nhiên cho thương cảng cổ.
Ngọc Vừng còn là căn cứ quân sự và cách mạng suốt chiều dài lịch sử. Thời Trần, nơi đây dựng điếm canh chống giặc biển; thời nhà Mạc và Pháp thuộc, các công trình phòng thủ và quan sát tiếp tục được xây dựng. Cuối thế kỷ XIX, nghĩa quân Đề Hồng, Cai Thái, Đội Giang chọn đảo làm nơi lập căn cứ chống thực dân.
Bước sang thế kỷ XX, Ngọc Vừng tiếp tục là địa bàn trọng yếu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, dù thường xuyên bị uy hiếp bởi tàu chiến và máy bay, quân dân trên đảo vẫn kiên cường chiến đấu, lập trận địa phòng không, ngăn chặn biệt kích. Trong 5 ngày cuối tháng 12/1972, quân dân nơi đây đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ, trong đó có chiếc máy bay thứ 200 - chiếc cuối cùng bị bắn hạ trên bầu trời Quảng Ninh. Với chiến công ấy, năm 1973, xã được phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".

Ngày 12/11/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đảo và căn dặn nhân dân đoàn kết, tăng gia sản xuất, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Lời dặn của Bác trở thành kim chỉ nam để người dân Ngọc Vừng kiên trì xây dựng quê hương.
Tiếp nối truyền thống hào hùng ấy, bước vào thời kỳ đổi mới, xã đảo Ngọc Vừng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ông Hoàng Văn Quảng, người con của xã đảo, Bí thư Đảng ủy xã giai đoạn 2008-2015, chia sẻ: Phát huy truyền thống anh hùng, quân dân Ngọc Vừng đã nỗ lực xây dựng quê hương, đưa xã đảo vươn lên phát triển KT-XH, thay đổi diện mạo từng ngày.
Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch rõ nét theo hướng ưu tiên dịch vụ du lịch. Trong 5 năm qua, tổng thu ngân sách hàng năm vượt 118% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 104 triệu đồng/năm; 100% hộ dân được dùng nước sạch và có bảo hiểm y tế. Xã không còn hộ nghèo và đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2023.
Du lịch dịch vụ trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế. Năm 2024, xã đón hơn 15.000 lượt khách, doanh thu đạt hơn 15 tỷ đồng. Hệ thống giao thông kết nối được cải thiện, hiện có 15 cơ sở lưu trú với trên 120 phòng nghỉ. Các sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm làng chài, khám phá cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và ẩm thực biển đang dần hình thành bản sắc riêng biệt cho Ngọc Vừng.

Hướng tới tương lai, xã xác định du lịch sinh thái, cộng đồng và văn hóa - lịch sử là mũi nhọn phát triển bền vững. Kết hợp bảo tồn giá trị truyền thống với khai thác tiềm năng biển đảo, xã Ngọc Vừng chắc chắn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, bền vững trong không gian du lịch biển đảo của Quảng Ninh và vùng Đông Bắc Tổ quốc.
Ý kiến ()