
Ngàn năm di vật cổ tại Yên Tử
Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử tại TP Uông Bí vốn có lịch sử trải dài cả ngàn năm, còn hiện hữu tới hôm nay hàng trăm công trình chùa, am, tháp… thâm nghiêm, cổ kính giữa bạt ngàn rừng xanh nơi đây. Quá trình phát triển ấy cũng gắn với lịch sử tu bổ, tôn tạo các công trình qua nhiều giai đoạn, với những di vật quý được phát hiện, sưu tầm, cho thấy quá khứ vàng son của Yên Tử cũng như bàn tay tài hoa của người thợ thủ công xưa…
Nhà trưng bày các di vật này là một công trình nhỏ, nằm yên tĩnh tại khu vực gần với chùa Giải Oan trên tuyến hành hương bộ lên núi. Công trình hiện do Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Yên Tử quản lý. Các hiện vật trưng bày tại đây có niên đại sớm nhất là vào thế kỷ I-III, muộn nhất là vào thế kỷ XX, được phát hiện, sưu tầm trong quá trình khai quật khảo cổ, nghiên cứu và là di vật sau trùng tu các công trình chùa chiền của Yên Tử, đã được lưu giữ lại trong nhiều năm qua…
Các hiện vật tương đối phong phú, từ hệ thống bình, lọ, bát đĩa, tượng, bệ thờ cho tới cấu kiện kiến trúc các công trình chùa, am, tháp của Yên Tử. Nhiều hiện vật còn tương đối nguyên vẹn, một số di vật có kích cỡ lớn, một số chỉ còn là những mảnh trang trí còn giữ được hoa văn đặc trưng… Trong đó, cổ xưa nhất là những hiện vật vò gốm men có niên đại từ thế kỷ I-III, còn nguyên vẹn, đã được tìm thấy khi khảo cổ tại khu vực chùa Bí Thượng năm 2006.

Thời Trần là giai đoạn vàng son rực rỡ của Yên Tử, gắn với quá trình hình thành, phát triển của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Chính vì vậy, di vật thời Trần được trưng bày tại đây tương đối nhiều. Du khách có thể nhìn thấy những chiếc ấm lục lăng gốm men phát hiện tại chùa Lân năm 1999 hay chiếc bát gốm men trắng tìm thấy năm 2001 tại chùa Hoa Yên còn tương đối nguyên vẹn. Đặc biệt là viên gạch trang trí hoa cúc bằng đất nung được gìn giữ rất tốt, cho chúng ta thấy những nét hoa văn trang trí tinh xảo còn nổi rõ trên bề mặt rất đẹp. Theo ghi chép thì hiện vật này được chuyển từ đường gạch hoa cúc sau tháp Tổ Huệ Quang về chùa Hoa Yên bảo quản năm 1988, chuyển về đây lưu giữ từ năm 2001.
Các hiện vật là đồ trang trí còn lại của các chùa, am, tháp cũng cho du khách hình dung phần nào về nghệ thuật kiến trúc thời Trần. Đó là tượng chim uyên ương, lá đề cân trang trí hoa sen, phượng, lá đề lệch, đầu rồng cho tới những viên ngói úp trang trí hoa chanh, ngói mũi sen kép rồi một phần mái tháp, tất cả đều bằng đất nung nhưng cho thấy rõ bàn tay khéo léo trong gia công của người thợ.
Dòng thiền Trúc Lâm ở Yên Tử có nhiều giai đoạn thăng trầm, dù vậy vẫn có những hiện vật các công trình kiến trúc thời Mạc (thế kỷ XVI) là giai đoạn dòng thiền tương đối trầm lắng, được phát hiện, lưu giữ và trưng bày tại đây. Các hiện vật giai đoạn nay chủ yếu tìm thấy tại khu vực chùa Hoa Yên, tiêu biểu như các mảnh trang trí bằng đất nung; phần tường tháp, trang trí đài sen và mảnh trang trí hoa sen bằng đất nung có phủ men; cấu kiện tháp trang trí long mã bằng sứ trắng, được phát hiện từ năm 1998 đến năm 2017.

Không chỉ hiện vật thời Mạc mà khu vực chùa Hoa Yên cũng là nơi tập trung số lượng hiện vật tìm thấy qua các giai đoạn nhiều nhất ở Yên Tử, được trưng bày tại đây. Điều đó cũng dễ hiểu bởi Hoa Yên là ngôi chùa cả, chùa chính trong quần thể chùa tháp Yên Tử, thường xuyên được trùng tu qua các đời. Các kiến trúc tại đây tập trung với số lượng lớn, gồm chùa Hoa Yên, khu vườn tháp Tổ, ao Mắt Rồng, đường đi lát gạch…
Theo đó, cùng với di vật thời Mạc kể trên có thể kể tới gạch hoa cúc, bát gốm men trắng và một số vật liệu kiến trúc, trang trí thời Trần; cấu kiện kiến trúc đá cát, các lọ, bình, lon sành và lọ, bình, bát, chén gốm men trắng thời Lê trung hưng (thế kỷ XVII-XVIII); bình hoa gốm men rạn, bát hương đá vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX) còn tương đối nguyên vẹn.
Thời Lê trung hưng là giai đoạn phát triển trở lại cực thịnh của Phật giáo Trúc Lâm, đi cùng với đó là sự đầu tư trùng tu, mở rộng của hệ thống chùa, am, tháp tại Yên Tử. Chính vì vậy, các hiện vật thời này không chỉ vẫn còn hiện hữu phổ biến ở Yên Tử mà cũng được tìm thấy nhiều trong các đợt khảo sát, nghiên cứu, khai quật khảo cổ. Nhà trưng bày tại Yên Tử ngoài các hiện vật Lê trung hưng tại khu vực chùa Hoa Yên còn có cấu kiện của Bảo Quang tháp phát hiện tại khu vực am Dược năm 1998, tượng gỗ phát hiện tại khu vực chùa Cầm Thực năm 1993...

Một điểm nhấn của gian trưng bày là ngôi chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử được dựng từ quãng năm 1993, 1994, sau khi dỡ bỏ để xây dựng chùa mới hiện nay, đã được bảo quản tốt và khôi phục lại vào cuối năm 2024 vừa qua, phục vụ du khách tham quan, chiêm ngưỡng. Các bộ tượng thờ Tam tổ Trúc Lâm bên trong chùa cũng được lưu giữ và trưng bày tại một gian riêng của không gian trưng bày cùng với một số tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, tượng A Di Đà, tượng Tam thế, hộ pháp... Đây là các tượng được sưu tầm trong quá trình tu bổ, tôn tạo các ngôi chùa ở Yên Tử, được di dời xuống và thờ tự tại đây.
Không gian trưng bày còn có một số tranh, ảnh, lời giới thiệu ngắn gọn về các giá trị lịch sử, văn hoá đặc sắc của Yên Tử bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Trong đó, có phiên bản bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ, là một kiệt tác hội họa, mang nhiều giá trị lớn lao về lịch sử, gắn với Phật hoàng Trần Nhân Tông…
Ý kiến ()