
Ký ức một thời thanh xuân sôi nổi
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Vùng mỏ và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với những nhân chứng lịch sử của Vùng mỏ. Họ là những người đã đi qua những năm tháng chiến tranh bom đạn ác liệt nhất, góp sức mình viết lên trang sử vàng son của đất nước. Trong đó có ông Trần Văn Đĩnh (SN 1941) nguyên là lãnh đạo TX Hòn Gai xưa, nay là TP Hạ Long.
Từ truyền thống Kỷ luật - Đồng tâm
Ông Đĩnh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Nhà có 3 anh em trai, ông là anh cả. Cả ba anh em đều xung phong nhập ngũ theo tiếng gọi của cách mạng. Ông nhập ngũ rồi về Quảng Ninh công tác, hai em trai của ông thì một người hy sinh ở Tây Nguyên, một người hy sinh ở Bình Dương. “Mẹ tôi ngất lên ngất xuống! Có 3 anh em mà không đứa nào chịu ở nhà, đi hết cả! Nhà có 3 anh em, mình tôi còn sống” - ông nhớ lại.

Ở tuổi 20 khi còn phục vụ trong quân đội, ông Đĩnh đã được kết nạp Đảng. Ông xuất ngũ và về công tác trong ngành than đúng vào năm máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc. Năm 1964, ông về làm công nhân mỏ Hà Tu rồi được cử đi học tại Trường Đại học Mỏ Địa chất, về lại được chuyển làm cán bộ Đoàn chuyên trách, làm Bí thư Đoàn Mỏ than Hà Tu. Năm 1973, ông được điều về làm Bí thư Đoàn Công ty Than Hòn Gai. Đến năm 38 tuổi, ông làm Bí thư Đảng ủy Nhà máy cơ khí Hòn Gai. Sau 4 năm làm Bí thư Đảng ủy, ông về làm Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Than Hòn Gai. Sau này, ông được phân công làm Phó Bí thư Thị ủy rồi Chủ tịch TX Hòn Gai. Đến năm 1993 thì ông về hưu.
Phần lớn thời gian công tác, ông Đĩnh gắn bó với ngành than, phẩm chất, tính cách của người thợ mỏ ăn sâu và trở thành một phần cốt cách con người ông. Sau này khi đã chuyển ngành hay công tác ở những cương vị khác nhau, ông Đĩnh vẫn luôn tự hào mình xuất thân là thợ mỏ và luôn phát huy phẩm chất, tinh thần của công nhân mỏ. Đó là sự bền gan, vững chí, không chịu lùi bước trước mọi khó khăn và phong cách sống nghĩa tình.
“Truyền thống kỷ luật - đồng tâm phát triển rất mạnh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt là giai đoạn đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ vào các năm như 1964, 1972, công nhân mỏ lúc bấy giờ dù thiếu thốn, gian khổ lắm nhưng thực hiện lời Bác Hồ, lời kêu gọi của Trung ương, ai cũng quyết tâm mỗi người làm việc bằng hai để có thật nhiều than cho Tổ quốc” - ông Đĩnh nhớ lại.

Kỷ luật - Đồng tâm là khẩu hiệu ra đời từ ngành mỏ. Bất cứ khi nào khó khăn, thách thức, thợ mỏ lại đoàn kết, cùng nhau hô vang khẩu hiệu “Kỷ luật - Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”. Sức sống của tinh thần Kỷ luật - Đồng tâm sau này lan tỏa rộng rãi, không dừng lại là giá trị tinh thần của riêng ngành khai thác than và nghề mỏ nữa, mà đã trở thành di sản chung của tỉnh. “Kỷ luật - Đồng tâm” trở thành phương châm hành động của toàn bộ công nhân Vùng mỏ. Ngoài công nhân mỏ, công nhân cơ khí, công nhân xây dựng, công nhân của các nhà máy công nghiệp… đều thực hiện phương châm “Kỷ luật và Đồng tâm” để chiến thắng mọi khó khăn. Được nuôi dưỡng trong bầu không khí sục sôi cách mạng ấy, thế hệ thanh niên Quảng Ninh đã phát huy truyền thống Kỷ luật - Đồng tâm trở thành giá trị tinh thần mang dấu ấn riêng.
Đến phong trào 3 sẵn sàng
Theo lời kể của ông Đĩnh, cũng vào những năm tháng chống Mỹ cam go, khốc liệt, thanh niên Vùng mỏ đã đề xướng một phong trào. Đó là ba sẵn sàng, gồm: Sẵn sàng chiến đấu; Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần. Phong trào của thanh niên mỏ sau này đã được Trung ương Đoàn phát triển thành phong trào chung của cả nước.

Gian khổ lắm, ác liệt lắm nhưng ngày ấy cán bộ Đoàn cứ huy động việc gì là anh em răm rắp hưởng ứng. Nhớ về những ngày thanh niên sôi nổi, ông Đĩnh dường như trẻ hẳn ra, giọng nói cũng hào hứng hơn hẳn: “Thời chúng mình thanh niên là cánh tay phải của Đảng. Cứ việc gì khó khăn là gọi thanh niên, gọi đến Đoàn. Tôi lúc ấy đang là Bí thư Đoàn mỏ. Tôi nhớ có lần đi vận chuyển mìn từ bến Hòn Gai vào cất ở trong hang để tránh máy bay Mỹ ném bom ban ngày. Giám đốc không biết làm sao, lúc đấy là hai giờ đêm rồi, huy động lực lượng như thế nào?”.
Cuộc huy động thần tốc trong đêm diễn ra như mới hôm qua. “Tôi đang ngủ, Giám đốc đến gọi: Anh Đĩnh ơi! Cái này chỉ có đoàn mới làm được! Tôi hỏi: - Cái gì vậy cơ? Giám đốc nói: Anh huy động giúp tôi 20 đoàn viên, có mặt ngay để vận chuyển hóa chất, thuốc nổ vào trong hang để cất giấu chứ không sáng ra nó đánh bom. Lúc đấy là 3 giờ sáng rồi. Thế là tôi dậy. Tôi đi, tôi khua một tua cả dãy nhà công nhân tập thể than Hà Tu. Tôi hô: Tất cả dậy, Đảng ủy và Giám đốc yêu cầu chúng ta đi vận chuyển ngay! Ai có sức khỏe thì dậy! Ai yếu thì thôi. Tôi đi khua một tua, đến 80 anh em ra, kinh khủng luôn! Lúc ra tập hợp, đồng chí Giám đốc cảm ơn anh em nhưng bảo chỉ cần 20 người thôi, vì còn lấy sức lao động cho ngày hôm sau. Dù vậy, khi tôi chọn, hỏi anh em ai giơ tay đi thì tất cả đều giơ tay. Mình là Bí thư Đoàn không biết chọn ai cả. Ai cũng giơ tay, đã ra đây là quyết tâm đi rồi. Thanh niên thời chúng tôi là như thế đấy!” - ông Đĩnh nói.

Câu chuyện nhỏ nhưng đã trở thành kỷ niệm rực rỡ, chói sáng trong thời gian làm công tác Đoàn của ông Đĩnh. Và giờ đây khi đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, kỷ niệm đó trở thành di sản mà ông trân quý và mỗi khi nhắc lại, ký ức ấy vẫn luôn lấp lánh, đầy cảm xúc: “Cứ Đoàn là hăng hái lắm! Sau này, tôi nói vui với anh em làm công tác Đoàn của Than Hòn Gai là: Tớ làm Đoàn, tớ sướng nhất! Là vì nói anh em nghe. Tổ chức Đoàn có uy tín, vị trí lắm. Thời ấy khổ nhưng mà sướng! Khổ do thời đại nó thế chứ còn sướng là tuổi trẻ được làm việc lớn, được đảm đương, gánh vác và được sống một thời thanh niên sôi nổi!”.

Khép lại câu chuyện, ông Đĩnh bảo: “Mỗi thời một khác. Thời chúng tôi, sản lượng khai thác chỉ tính hàng vạn tấn than, đến thời bây giờ là hàng chục triệu tấn một năm. Thời chúng tôi chủ yếu khai thác lộ thiên, bây giờ thì chủ yếu là khai thác hầm lò. Xuống lò bây giờ thì hiện đại lắm, chủ yếu là máy móc làm việc. Ngồi trên phòng điều khiển vẫn quan sát được công nhân đang khai thác dưới hầm lò như thế nào. Khi lịch sử sang trang, nhiều điều đã, đang và sẽ đổi thay nhưng tinh thần Kỷ luật - Đồng tâm của người Vùng mỏ và tinh thần cách mạng của tuổi trẻ sẽ mãi mãi trường tồn”.
Ý kiến ()