Trách nhiệm với người dân và hành khách
Chỉ vì bức xúc, phàn nàn chiếc xe khách (BKS 14M-9123, chạy tuyến Quảng Ninh - Hà Nội) chở mình chạy quá chậm, dừng đón khách nhiều mà một hành khách đã bị lái và phụ xe dùng vật cứng hành hung vào đầu, làm chảy nhiều máu. Vụ việc xảy ra tại khu vực cổng chợ trung tâm TP Uông Bí, vào khoảng 10 giờ, ngày 19-8.
Ngay sau khi được người dân và báo Quảng Ninh phản ánh, ngày 20-8, lãnh đạo Công an TP Uông Bí đã chỉ đạo tiến hành điều tra để làm rõ vụ việc hành khách bị hành hung. Theo kết quả điều tra, lái và phụ xe hành hung hành khách - ông Nguyễn Xuân Quảng, trú tại Hiệp Hoà, Kinh Môn, Hải Dương - là Nguyễn Đình Đức, SN 1982, trú tại phường Đại Yên và Nguyễn Trung Hiếu, SN 1989, trú tại phường Hà Trung, đều thuộc TP Hạ Long. Xét thấy tính chất và mức độ vụ việc chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, cộng với người bị hại có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lái, phụ xe nên Công an Uông Bí đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai người này về hành vi “xâm hại sức khoẻ người khác”, mức phạt 2 triệu đồng/người…
Liên quan đến vụ việc, cũng ngay sau khi có thông tin, Sở GT-VT Quảng Ninh đã yêu cầu Công ty CP Xe khách Quảng Ninh - đơn vị quản lý xe khách 14M-9123 - tường trình vụ việc, đồng thời có hình thức kỷ luật, xử lý nghiêm đối với lái, phụ xe liên quan trực tiếp đến vụ hành hung hành khách, để giáo dục, răn đe chung. Theo Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT), thì hành vi của lái, phụ xe đã làm ảnh hưởng và xấu đi hình ảnh của ngành giao thông - vận tải tỉnh, do đó Công ty CP Xe khách Quảng Ninh và các cá nhân liên quan phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc…
Ở đây chưa bàn đến việc mức độ xử lý, xử phạt của các cơ quan có trách nhiệm đối với lái, phụ xe vi phạm pháp luật đã thoả đáng hay chưa, có đủ sức răn đe hay không, nhưng rõ ràng có một điều cần khẳng định là trong vụ việc này, các cơ quan chức năng, liên quan đã rất có trách nhiệm với người dân và hành khách. Cụ thể là đã nhanh chóng, kịp thời vào cuộc chỉ đạo làm rõ vụ việc, tiến hành xử lý, kiểm điểm người vi phạm. Đây là điều cần được ghi nhận và phát huy trong công việc, bởi thực tế hiện nay, những hành vi vi phạm pháp luật, các hành động “chướng tai gai mắt” còn diễn ra không ít trong cuộc sống, trong xã hội, trong đó phải kể đến nhiều trường hợp vì tranh giành khách mà một số nhà xe đã hành hung nhau gây thương tích…
Giải quyết, xử lý nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh những vi phạm xảy ra trên địa bàn, trong đơn vị quản lý không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao, mà qua đó còn tạo hình ảnh đẹp, nét văn hoá, sự tôn trọng kỷ luật, kỷ cương cho cả một vùng đất, địa phương, nhất là với những địa phương có lượng khách qua lại đông…
Thanh Tùng
Ý kiến ()