Tiến độ xoá phao xốp còn chậm
Với lợi thế về chiều dài bờ biển trên 250km và diện tích vùng biển khoảng 6.000km2, Quảng Ninh đã phát huy mạnh mẽ trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ, hải sản. Thời gian qua, việc các lồng, bè, giàn nuôi nhuyễn thể… sử dụng vật liệu nổi bằng phao xốp đã gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường biển. Nhằm bảo vệ môi trường, nguồn lợi từ biển, hướng tới phát triển thủy sản bền vững giá trị cao, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu xoá phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản, thay thế bằng phao nhựa HDPE trong năm nay. Tuy nhiên, tiến độ xoá phao xốp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt tiến độ như mong muốn.
Theo lộ trình chậm nhất đến hết năm 2022, các địa phương hoàn thành sắp xếp các khu vực nuôi biển tập trung theo quy hoạch, đồng thời thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường. Mặc dù tỉnh thường xuyên đôn đốc các địa phương, sở, ngành liên quan về việc chuyển đổi này, thế nhưng theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến ngày 15/5, toàn tỉnh mới thay thế trên 504.000/3 triệu quả phao xốp, bằng gần 17% tổng số phao xốp cần chuyển đổi.
Các địa phương có tỷ lệ chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE cao là: Hạ Long đạt 93%, Đầm Hà đạt 90%, Quảng Yên đạt 55%, Tiên Yên đạt 40%, Hải Hà đạt 40%. Tuy nhiên, tại các địa phương trọng điểm nuôi trồng thuỷ, hải sản là Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái thì tỷ lệ chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE đạt thấp dưới 15%, trong đó TP Móng Cái tiếp tục là địa phương chưa có con số báo cáo về nội dung này.
Riêng huyện Vân Đồn - địa phương trọng điểm trong nuôi trồng thuỷ sản, nơi chiếm gần 90% lượng phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản cần chuyển đổi sang phao nổi HDPE của tỉnh, với gần 2,7 triệu quả, tính đến ngày 15/5, mới chuyển đổi được 11%, tương đương gần 300.000 quả.
Mục tiêu của Quảng Ninh đặt ra là hoàn thành chuyển đổi trên 3 triệu phao xốp sang phao HDPE, trong đó đến hết tháng 6/2022 chuyển đổi đạt ít nhất 50%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới đạt khoảng 17%, như vậy kết quả đạt được còn rất thấp.
Để thực hiện đúng lộ trình, các địa phương, ban, ngành liên quan đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản thực hiện chủ trương chuyển đổi, xoá phao xốp, cùng với đó là xử lý những cá nhân, doanh nghiệp cố tình không thực hiện, mặc dù đã ký cam kết chuyển đổi. Đơn cử như vừa qua lực lượng chức năng xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tổ chức ra quân tuần tra, kiểm soát, lập biên bản, xử phạt và yêu cầu di dời đối với hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép tại khu vực biển hòn Đá Đen, đồng thời tiến hành cắt bỏ những lồng, bè có sử dụng phao xốp.
Cùng với xã Hạ Long, để đảm bảo tiến độ chuyển đổi, thời gian qua, các xã có biển thuộc huyện Vân Đồn đã tăng cường ra quân rà soát hiện trạng, tuyên truyền cho các hộ dân ký cam kết chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE, kiên quyết xử lý theo hướng giải tỏa, cắt bỏ phao xốp đối với các hộ cố tình không thực hiện chuyển đổi hoặc vi phạm về an toàn giao thông thủy, các hộ nuôi trồng thuỷ sản trái phép, ngoài quy hoạch…
Hiện tại, một trong những khó khăn trong chuyển đổi từ phao xốp sang phao HDPE là nguồn vốn đầu tư của các hộ nuôi trồng thuỷ sản. Các địa phương cũng đã tổng hợp nhu cầu vay vốn của người dân, trong đó Vân Đồn 80 tỷ đồng, Cẩm Phả 55 tỷ đồng, Quảng Yên 50 tỷ đồng, Đầm Hà 10 tỷ đồng, Móng Cái 10 tỷ đồng…
Chủ trương chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE là đúng đắn, nhằm bảo vệ môi trường biển, đảm bảo nuôi trồng thuỷ sản bền vững và người dân cũng rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, để thực hiện được theo đúng lộ trình đã đề ra, các sở, ngành, địa phương liên quan cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong huy động các nguồn lực, nguồn vốn vay để hỗ trợ các hộ nuôi trồng thuỷ sản.
Ý kiến ()