Thu hút nhân tài
Về vấn đề thu hút nhân tài, Quảng Ninh là một trong những địa phương sớm nhất trong cả nước có chủ trương và quy định tiêu chuẩn, chế độ thu hút, đãi ngộ nhân tài. Đến nay, Quảng Ninh đã có chính sách bổ sung lần thứ hai về lĩnh vực này. Nhưng hiệu quả ra sao? Trên chuyên mục này, Báo Quảng Ninh đã từng đề cập đến với bài viết “Chín bỏ làm mười”. Trong đó nêu sau 5 năm thực hiện Quy định tạm thời ban hành theo Quyết định 2818 của UBND tỉnh, kiểm đếm lại, số người thuộc diện đối tượng phải thu hút có 10 người đi, 9 người về. Bài báo đặt câu hỏi: Liệu những người về có hiệu suất công tác bằng những người đi vốn am hiểu sâu về lĩnh vực phụ trách, công tác sau nhiều năm ở tỉnh?
Tại Hội nghị nghiên cứu, quán triệt các Nghị quyết T.Ư 5, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đặt vấn đề: Phải hiểu khái niệm người tài rộng và phù hợp thực tiễn. Ví dụ một nhà máy đóng tàu hạng nặng, một nhà máy xi măng sẽ thu hút hàng trăm chuyên gia đầu ngành, kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật cao... Đó cũng là nhân tài. Vấn đề là phải tạo môi trường, điều kiện cho người tài làm việc, hoạt động. Thực thế, nếu chúng ta nhắc đến trường hợp ca sĩ Hồ Quỳnh Hương. Chắc chắn Hồ Quỳnh Hương sẽ không thể trở thành “Sao” như hiện nay nếu chỉ hoạt động ca nhạc ở Quảng Ninh hay thậm chí là Hà Nội!
Do vậy, vấn đề cốt yếu của chiến lược thu hút chất xám là phải quan tâm phát hiện, sử dụng đúng người đúng việc đội ngũ đang làm việc trên địa bàn, tạo điều kiện để mỗi cá nhân phát huy hết khả năng, tài năng của mình và có cơ chế đãi ngộ, tưởng thưởng, xứng đáng cống hiến của họ. Nhìn vào cách ứng xử của địa phương, người tài các nơi sẽ tìm về. “Đất lành chim đậu” – quy luật tất yếu của cuộc sống.
Ý kiến ()