Thu hẹp khoảng cách thu nhập và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua, các chính sách đúng đắn, kịp thời, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào, đã tạo nên bước chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội và làm thay đổi diện mạo ở vùng dân tộc, miền núi của tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh đã huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, hệ thống giao thông, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế… Đồng thời, triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm; nâng cao khả năng tiếp cận về giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin kết hợp với các Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn, làm thay đổi căn bản bộ mặt vùng đồng bào DTTS. Trong năm, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã phát triển trồng cây bản địa, cây gỗ lớn với số lượng trên 1 triệu cây; thành lập 10 HTX; triển khai thực hiện 62 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu; 16 dự án công trình nước sạch phục vụ đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS. Trong năm 2024, toàn tỉnh đưa vào khai thác 41/67 sản phẩm phục vụ khách du lịch, trong đó nhiều sản phẩm tại các địa phương vùng đồng bào DTTS như Chợ phiên văn hóa vùng cao xã Hà Lâu tại thôn Bắc Lủ, Chợ phiên Văn hóa vùng cao xã Lương Mông, xã Đạp Thanh…
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đảm bảo an sinh xã hội được triển khai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới hải đảo đã góp phần nâng cao đời sống và thu nhập của người dân khu vực này. Trong năm, có 144 hộ được phê duyệt hỗ trợ làm nhà, sửa nhà khắc phục thiệt hại do bão Yagi; 36 hộ trong danh sách xóa nhà tạm, dột nát. Cùng với đó, có 644 lao động là DTTS được hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg; 2.399/16.449 lượt lao động là người DTTS được vay vốn tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm. Hiện nay, toàn tỉnh có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú, 100% học sinh tiểu học người DTTS được tăng cường Tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ của trẻ; 64/64 xã khu vực miền núi, biên giới, hải đảo triển khai sổ khám chữa bệnh điện tử; không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống...
Những kết quả đạt được đã đóng góp trực tiếp và gián tiếp nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh. Qua khảo sát thu nhập hộ dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh năm 2023 và năm 2024 tại 67 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh cho thấy thu nhập bình quân của các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đã đạt ở mức tương đối. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2024 là 6.983.000 đồng/người/tháng, tăng 14,2% so năm 2023 (tương đương 871.000 đồng/người/tháng, năm 2023 đạt 6.112.000 đồng).
Tuy nhiên, vẫn có 42/67 xã tham gia khảo sát (62,7%) có mức thu nhập bình quân thấp hơn mức trung bình toàn tỉnh. Qua đó cho thấy, khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo giữa vùng còn cao. Thực tế cho thấy, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bào DTTS còn chậm, chưa theo kịp các vùng khác, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh chưa cao; lao động chủ yếu vẫn làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp… Do đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 06-NQ/TU về “phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, thực hiện đồng bộ các chính sách đầu tư cho vùng DTTS và miền núi. Nhất là việc huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi và hải đảo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đồng thời tuyên truyền vận động đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa.
Cùng với đó, đổi mới, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển các dự án sản xuất kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào DTTS... Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu của bà con vùng đồng bào DTTS, tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ý kiến ()