Thời tiết cực đoan
Tháng 5 rợp trời hoa phượng đỏ, tiếng ve kêu râm ran suốt trưa hè, cái nắng, cái nóng luôn hiện hữu, thế nhưng tháng 5 năm nay, các tỉnh miền Bắc nói chung, những địa phương miền núi, vùng cao nói riêng vẫn đón đợt không khí lạnh, ngoài nhiệt độ giảm mạnh. Rất nhiều gia đình đã cất chăn, đệm, áo rét… vào tủ, vào kho thì nay bất đắc dĩ phải mang ra mặc chống rét. Theo các chuyên gia thời tiết thì đây là một trong những đợt không khí lạnh hiếm gặp. Rét đến bất thường khiến không ít người dân lo lắng về tình hình thời tiết, thiên tai có thể xảy ra.
Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đã khiến thiên nhiên thay đổi theo chiều hướng xấu. Trong những năm gần đây, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng ghi nhận sự gia tăng về cường độ, tần suất xảy ra của các hiện tượng thiên tai cực đoan bất thường ngày càng nhiều hơn, trái quy luật và gây nhiều thiệt hại nặng nề về người, tài sản.
Đơn cử như trong tháng 5 này, ngoài đợt rét bất thường xảy ra ở miền Bắc thì các tỉnh trung du, miền núi, vùng cao cũng hứng chịu những đợt mưa lớn kèm theo lũ quét, lũ ống gây ngập lụt, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Tại tỉnh Bắc Kạn, đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 10 – 12/5, đã khiến một cháu nhỏ 5 tuổi ở thôn Kim Vân, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tử vong, 3 người bị thương do sạt lở đất đá. Toàn tỉnh có 56 ngôi nhà bị sạt lở, 1 ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi, 1 ngôi nhà bị cô lập; 218ha nông, thuỷ sản bị ngập úng; mưa lũ cũng gây thiệt hại 153 con gia súc, gia cầm; hệ thống hạ tầng giao thông có 41 điểm sạt lở, 2 cầu bị sập mố cầu. Tại tỉnh Cao Bằng, mưa lũ từ ngày 8-11/5, khiến một số sông, suối xuất hiện lũ, gây ngập úng gần 100ha hoa màu, sạt lở nhiều tuyến đường và cuốn trôi 1 cháu nhỏ.
Còn tại Lạng Sơn, đợt mưa lũ đầu tháng 5 vừa qua khiến 20 cột trung áp, 160 cột hạ áp, 2 trạm biến áp, 147 trạm biến áp phân phối bị sạt lở móng, gãy đổ; khiến hơn 20.000 hộ dân bị mất điện; toàn tỉnh có 220 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất ngập nước; 1.507ha lúa, ngô bị ngập úng cục bộ; mưa lớn khiến đất đá sạt lở, hậu quả 1 người tử vong.
Có thể thấy, những năm qua, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan không chỉ gây bão gió nhiều, mưa lớn kéo dài, lũ lụt, nắng nóng gay gắt bất thường, mà còn khiến nhiệt độ trái đất nóng lên dẫn đến nước biển có chiều hướng dâng cao. Mức độ tàn phá của thiên tai cực đoan ngày càng nặng nề hơn đối với môi trường, đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Nếu như trước kia triều cường, nước biển dâng thường chỉ xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh, thì nay cảnh tượng này có tại nhiều địa phương, trong đó có Quảng Ninh, người dân phải sống trong cảnh thường xuyên ứng phó với ngập lụt do triều cường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, đi lại. Như tại một số khu dân cư của phường Yết Kiêu và Cao Xanh, TP Hạ Long, thời gian qua nước biển dâng gây ngập lụt, có nơi dâng cao so với mặt đường 60-70cm đã gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng nhiều xe cộ, đồ đạc.
Nước ta là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hiện tượng như lũ lụt, sạt lở đất, gió bão, nước biển dâng, xâm nhập mặn... với tần suất ngày càng cao, mức độ tàn phá ngày càng lớn.
Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam tăng thêm 0,70C, mực nước biển dâng tăng thêm 20cm, thiên tai đặc biệt là lũ lụt, hạn hán xảy ra ngày càng nhiều, nguy cơ xâm nhập mặn ngày một lớn.
Là một trong những tỉnh, thành phố ven biển, Quảng Ninh cũng phải đối diện với những thách thức to lớn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, mưa lũ, nắng nóng bất thường, đặc biệt là nước biển dâng. Để giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, ngoài việc hạn chế gây ô nhiễm môi trường thì mỗi địa phương, cơ quan, ban, ngành và mỗi người dân cũng cần chủ động xây dựng phương án, kịch bản sẵn sàng ứng phó với tình hình thời tiết xấu, thiên tai cực đoan có thể xảy ra.
Ý kiến ()