Thiếu ý tưởng, không thể có sản phẩm du lịch độc đáo
Quảng Ninh đang xây dựng đề án về phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn. Đề án nhằm cụ thể hoá Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Hội đồng thẩm định thông qua.
Trong một cuộc họp gần đây của UBND tỉnh để đóng góp ý kiến vào bản đề án nói trên do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch dự thảo, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh đều yêu cầu bổ sung những “điểm đến”, những sản vật của địa phương mình. Đại diện các ngành đều đề nghị bổ sung những nội dung, những công trình, dự án liên quan đến phát triển du lịch. Người chủ trì đã kết luận cuộc họp khi mà các doanh nhân du lịch có mặt chưa có cơ hội phát biểu.
Trên cơ sở những gì mà lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình bày tại cuộc họp, dự thảo đề án về phát triển sản phẩm du lịch mới chỉ nói về tài nguyên du lịch sẵn có cùng ấn định những tuyến du lịch. Việc tiếp cận này mới dừng ở góc quản lý nhà nước, chưa có vai trò của doanh nghiệp và cơ sở nhu cầu của du khách.
Chúng tôi cho rằng, công tác quản lý nhà nước phải quy hoạch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch theo quy hoạch phát triển chung, còn chính doanh nghiệp mới là “người” đầu tư tạo ra và bán sản phẩm du lịch và du khách là người tiêu dùng các sản phẩm này. Công tác quản lý nhà nước phải hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các ý tưởng sản phẩm du lịch. Đề án phát triển sản phẩm du lịch mà không tính đến vai trò của doanh nghiệp, nhu cầu của du khách là một khiếm khuyết.
Với công tác quản lý nhà nước, phát triển sản phẩm du lịch chính là tạo môi trường để cho các doanh nghiệp thực hiện các ý tưởng du lịch, trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, khát vọng ngày một cao của du khách. Thực tế, nhiều ý tưởng sản phẩm du lịch xuất phát từ doanh nhân, những nhà đầu tư.
Có ý tưởng đã khó nhưng triển khai thực hiện ý tưởng đó còn khó hơn nhiều. Triển khai những ý tưởng phát triển sản phẩm du lịch luôn đặt ra những yêu cầu mới cần được linh hoạt giải quyết. Có những việc đòi hỏi quyết tâm và bản lĩnh của người chịu trách nhiệm. Việc triển khai cáp treo ở Yên Tử là một ví dụ. Khi triển khai ý tưởng này, từng có luồng ý kiến phản đối gây tranh luận gay gắt trên báo chí.
Trong hội nghị đối thoại doanh nghiệp 2014 của tỉnh Quảng Ninh, ý kiến của doanh nhân Đoàn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Du thuyền Đông Dương đã đề cập về vấn đề nói trên. Ông Đoàn Văn Dũng cho rằng, hiện nay có thực trạng các ý tưởng sản phẩm du lịch không được xem xét, tư vấn và giải quyết mọi thủ tục để đưa các ý tưởng sản phẩm này vào thực tiễn, trở thành sản phẩm du lịch chính của tỉnh. Vì vậy, rất mong tỉnh quan tâm thành lập một tổ chức giúp doanh nghiệp xây dựng ý tưởng sản phẩm du lịch.
Để có được sản phẩm du lịch độc đáo thì không thể chỉ dựa vào tài nguyên du lịch mà phải có ý tưởng sản phẩm. Thiếu các ý tưởng sản phẩm du lịch thì dù Vịnh Hạ Long tuyệt vời thế nào chúng ta cũng chỉ có sản phẩm là tham quan, ngắm cảnh và cũng chỉ có một cách truyền thống là ngắm cảnh trên thuyền. Để ý tưởng trở thành sản phẩm du lịch phải do doanh nghiệp thực hiện. Vì vậy, đề án phát triển sản phẩm du lịch phải được bộ ba “tác giả”: Nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch và du khách xây dựng nên.
Nguyên Đan
Ý kiến ()