
Thiếu hạ tầng sạc cho xe điện
Sự phát triển mạnh mẽ của xe điện tại Việt Nam đang góp phần xây dựng giao thông xanh, ít phát thải. Thế nhưng, hạ tầng trạm sạc lại chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của xe điện, thiếu quy hoạch tổng thể...
Những bất cập này không chỉ gây khó cho người tiêu dùng mà còn đặt ra thách thức lớn trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng quốc gia.
Theo báo cáo của Bộ Công thương phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện, năm 2023, Việt Nam tiêu thụ 15.676 xe ô-tô điện. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, con số này đạt 17.536 xe. Trong nước, một số doanh nghiệp đang sản xuất, lắp ráp ô-tô điện như VinFast, Hyundai Thành Công, Thaco, TMT...
Với sự phát triển nhanh của ngành xe điện, không ít doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào thị trường thiết bị và dịch vụ cho phương tiện điện, nhất là trụ sạc cho xe ô-tô điện. Hiện nay, hệ thống trụ sạc điện có độ phủ rộng nhất tại Việt Nam là của VinFast, với khoảng 150.000 trụ được lắp đặt trên toàn quốc.
Thị trường trụ sạc xe điện cơ bản có một số nhóm chính: Nhóm trụ sạc chính hãng là các trụ sạc được lắp đặt tại đại lý ô-tô hoặc bán kèm theo xe để khách hàng lắp đặt tại nhà. Nhóm trụ sạc công cộng gồm các đơn vị như EV One, EverCharge… cung cấp dịch vụ sạc tại bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, khu dân cư. Nhóm chuyên cung cấp sạc tại nhà có một số công ty như EverEV, GreenCharge, StarCharge, Autel…
Để bảo đảm an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia và người sử dụng xe điện, các quốc gia trên thế giới đã xây dựng và ban hành các luật, quy định kỹ thuật bắt buộc cho các trụ sạc xe điện như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore, Ả rập Xê út, Qatar, Ấn Độ... Các trụ sạc xe điện khi sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, được thử nghiệm các chỉ tiêu an toàn và được các tổ chức chứng nhận độc lập đánh giá an toàn trước khi đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng đồng bộ các quy định, tiêu chí kỹ thuật chặt chẽ để xây dựng trạm sạc; quản lý, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân lại chưa đáp ứng kịp thời.
Chưa kể, do thiếu quy hoạch tổng thể mạng lưới trạm sạc, việc xây dựng hạ tầng sạc điện hiện nay gần như “phó mặc” cho doanh nghiệp, dẫn đến manh mún, thiếu chuẩn hóa và chồng chéo lợi ích... Kết quả là người dân rất khó khăn khi tìm điểm sạc thuận tiện và an toàn.
Anh Mai Huy Đức (phường Giảng Võ, Hà Nội) cho biết, sau bữa cơm tối, anh vội vàng đi tìm trạm sạc xe ô-tô điện tại khu vực phố Nguyễn Công Hoan. Trên bản đồ ứng dụng, điểm gần nhất là một trạm sạc nhanh đặt trong tầng hầm trung tâm thương mại. Nhưng đến nơi, không còn chỗ, đành phải chạy xuống tận khu Tây Mỗ chờ sạc 2 tiếng. Anh Đức kể, có lần đi công tác, xe gần hết pin mà không thể tìm được điểm sạc nào trên đường về, anh buộc phải gọi cứu hộ.
Một vấn đề khác là để xây dựng một trạm sạc công cộng, doanh nghiệp phải “gõ cửa” nhiều cơ quan, từ xin đất, đấu nối điện, đến phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng. Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Trưởng ban Tiêu chuẩn (Ủy ban Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng quốc gia), để giải quyết vấn đề thiếu trụ sạc, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả bộ, ngành quản lý chuyên môn có liên quan để xây dựng khung pháp lý về quy hoạch hạ tầng lưới điện, quy hoạch điểm xây dựng trụ sạc, quy định về hệ thống lắp đặt điện cho trụ sạc nhằm bảo đảm an toàn, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường... Đồng thời, quy định cụ thể về an toàn và tính năng của trụ sạc, các chuẩn đầu cắm sạc, quy định về kiểm định phương tiện đo đối với các thiết bị đo kiểm phục vụ mua bán điện từ trụ sạc, thu gom xử lý pin, ắc-quy sau vòng đời sử dụng...
Bộ Khoa học và Công nghệ hiện chủ trì xây dựng Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về trụ sạc xe điện. Quy chuẩn này nhằm bảo đảm an toàn điện, bảo vệ tài sản và sức khỏe người dân, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng xe điện.
Dự thảo được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn quốc tế IEC 61851-1:2017, hiện đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Theo đó, trụ sạc xe điện phải đáp ứng nhiều yêu cầu kỹ thuật quan trọng, như: Bảo vệ chống điện giật, có thiết bị ngắt khi quá tải hoặc chập mạch; bảo đảm tương thích điện từ (EMC) để tránh gây nhiễu cho thiết bị điện khác; hệ thống kết nối điện giữa xe và trụ phải an toàn, chắc chắn và phù hợp với chuẩn đầu cắm được quy định rõ. Ngoài ra, thiết bị đo điện năng tích hợp trong trụ sạc cũng phải được kiểm định, phê duyệt mẫu như công-tơ điện thông thường, để phục vụ việc mua bán điện minh bạch.
Quy chuẩn cũng nêu rõ phương thức đánh giá hợp quy, trách nhiệm của các bên sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh trụ sạc. Ông Nguyễn Văn Khôi cũng cho biết, trong năm nay, Quy chuẩn sẽ được ban hành. Dự kiến tháng 7/2026, QCVN áp dụng bắt buộc với xe nhập khẩu, sau đó 1 năm (tháng 7/2027) áp dụng bắt buộc cho xe điện (EV) sản xuất, lắp ráp trong nước, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước có thời gian đổi mới, nâng cấp dây chuyền công nghệ.
Dự thảo Quy chuẩn cũng khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện áp dụng trước thời hạn để chủ động chuẩn bị và nâng cao chất lượng sản phẩm. Sau khi quy chuẩn trụ sạc ô-tô và xe tải được áp dụng, sẽ có đánh giá tác động để tiếp tục mở rộng sang xe đạp điện và xe máy điện trong thời gian tới.
Việc xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn nêu trên sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời giúp cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát chất lượng hạ tầng trụ sạc. Tuy nhiên, cũng còn một bất cập lớn hiện nay là thiếu kết nối mở giữa xe và trạm sạc.
Thực tế, một số hãng xe cài mã truyền thông riêng, khiến xe của hãng khác không thể sạc dù dùng chung chuẩn đầu cắm. Theo các chuyên gia, cần đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, quy hoạch và pháp lý từ góc độ quản lý từ Nhà nước để tiến tới, các trạm sạc bảo đảm tính mở, tạo điều kiện cho thị trường xe điện phát triển minh bạch và tiết kiệm nguồn lực, người dân được bảo đảm quyền lợi khi mua và sử dụng xe điện nhằm xây dựng giao thông xanh tại Việt Nam.
Ý kiến ()