
Vùng biên Móng Cái: Khi nào có chợ an toàn thực phẩm
Chợ an toàn thực phẩm là mô hình được quy hoạch và quản lý chặt chẽ nhằm kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nguồn gốc, bảo quản, chế biến đến bày bán, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và thúc đẩy môi trường kinh doanh bền vững. Tại Móng Cái, chợ số 3 (phường Móng Cái 1) là chợ chuyên kinh doanh thực phẩm, nông sản địa phương và hàng hoá từ Trung Quốc. Đây cũng là đơn vị chợ đang tiên phong mạnh dạn và quyết tâm xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm (ATTP) của tỉnh Quảng Ninh.
Nói về mô hình này ông Phạm Văn Tuyên, cán bộ Ban Quản lý chợ Móng Cái cho biết: Tiêu chí “cứng” của chợ ATTP là có vị trí phù hợp, có đủ nước sạch, có hệ thống thoát nước tốt, khu vực kinh doanh được phân chia rõ ràng. Thực phẩm kinh doanh trong chợ phải có nguồn gốc, được bảo quản đúng cách. Người bán hàng phải có kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chợ thường xuyên được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm…
Thời điểm hiện tại, chợ 3 Móng Cái đang có trên 900 hộ tiểu thương kinh doanh buôn bán. Nhằm đáp ứng những tiêu chí chợ ATTP, phường Móng Cái 1 cũng như BQL chợ Móng Cái đã từng bước đầu tư nâng cấp hạ tầng chợ, phân khu các khu vực kinh doanh, ngành hàng hợp lý, chú trọng đầu tư hạ tầng cho các khu vực ngành hàng đặc thù có nguy cơ mất vệ sinh ATTP cao… Riêng từ đầu năm tới nay, chợ 3 Móng Cái đã cải tạo hệ thống tiêu thoát nước thải và tôn cao nền các khu vực bán thịt lợn, bán hải sản và bán hàng khô.
Với đặc thù là khu chợ giáp biên, bà con tiểu thương trong chợ từ nhiều năm qua có mối quan hệ làm ăn buôn bán, giao thương hàng hoá với tiểu thương Trung Quốc. Cái khó của chợ 3 Móng Cái là hàng hoá về thường theo lô, theo kiện vốn có số lượng lớn, sau đó được phân phối cho các đại lý rồi từ đó mới bán lẻ cho các tiểu thương. Cũng vì lẽ đó mà nhiều lô hàng bà con tiểu thương trong chợ bán ra không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Để khắc phục điều này, BQL chợ Móng Cái đã hướng dẫn các hộ tiểu thương ghi chép các thông số hàng hoá theo quy định vào nhật ký mua, bán hàng, coi đây là một trong những cơ sở để kiểm chứng, truy xuất nguồn gốc hàng hoá.

Dù đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm (ATTP), chợ 3 Móng Cái vẫn gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chí của mô hình chợ ATTP. Thách thức lớn nhất nằm ở tư duy và thói quen buôn bán tự phát, thiếu chuẩn mực của một bộ phận tiểu thương. Nhiều hộ kinh doanh chỉ chấp hành khi bị kiểm tra, vẫn bày bán hàng cận hạn, hết hạn, không rõ nguồn gốc, thiếu nhãn phụ... Ông Vũ Tiến Chung, Trưởng BQL chợ Móng Cái, thừa nhận: Dù chủ trương xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, song việc giám sát tại chợ vẫn còn tình trạng nể nang, thiếu kiên quyết.
Cùng với đó, chợ 3 Móng Cái vẫn tồn tại hoạt động giết mổ gia cầm tại chợ mà theo quy định là không được phép hoạt động. Bà Hà Thị Uyên, tiểu thương bán gà tại chợ 3 Móng Cái cho biết: Khách khi mua gà thường yêu cầu giết mổ để về chế biến. Vì muốn giữ khách, thuận lợi trong buôn bán nên chúng tôi giết mổ gà tại chợ luôn. Ông Phạm Văn Tuyên, cán bộ Ban Quản lý chợ Móng Cái thừa nhận: Việc giết mổ gia cầm ngay tại chợ là không được phép vì gây mất vệ sinh ATTP, ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng khác trong chợ, cũng như tiềm ẩn phát sinh các dịch bệnh cho chất thải trong hoạt động giết mổ gây ra. Tuy nhiên trong bối cảnh Móng Cái chưa có khu giết mổ tập trung, số lượng giết mổ gia cầm trong chợ cũng không lớn nên hiện chúng tôi vẫn tạm thời chấp nhận…
Việc quyết tâm xây dựng mô hình chợ ATTP tại chợ 3 Móng Cái của BQL chợ Móng Cái mang lại cho người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sắm thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu các bệnh liên quan đến an toàn thực phẩm, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của ngành thực phẩm.
Ý kiến ()