
Tạo môi trường trọng dụng nhân tài
Dư âm cuộc gặp gỡ với hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài để bàn về giải pháp Quảng Ninh tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ cho sự phát triển của tỉnh vẫn đang rất nóng trên các diễn đàn. Chúng ta kỳ vọng những ý tưởng của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ sớm được hiện thực hóa, hậu của cuộc gặp gỡ “lịch sử” này sẽ là những gợi mở tương lai mới, là những nắm tay cùng tiến vào công nghệ, vào thời đại 4.0.
Đó là ý tưởng đào tạo con người làm mục tiêu hàng đầu trong 6 trụ năng lực cốt lõi của mô hình chính quyền điện tử của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoàng đến từ Đại học Califofnia (Mỹ); là kết nối nguồn nhân lực trí tuệ các nhà khoa học trong và ngoài nước để đưa sản phẩm trí tuệ nhân tạo cao vào các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh như ngành Than, vào xây dựng thành phố thông minh của PGS.TS Hồ Anh Văn, Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản; là phát triển y tế điện tử để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân của chuyên gia Trần Đại Nguyên Trí, Giảng viên Đại học Sydney (Úc)…
Câu chuyện bồi dưỡng, rèn luyện, tạo môi trường như thế nào để các nhân tài có cơ hội cống hiến cho sự phát triển của tỉnh nhà đã được đặt ra từ lâu. Một trong 3 đột phá chiến lược được tập trung thực hiện trong thời gian qua là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng nhằm mục đích tạo môi trường tốt nhất, trọng dụng được những nhân tài phục vụ cho sự phát triển của tỉnh. Tỉnh cũng đã có những chính sách hết sức ưu ái để thu hút nhân tài từ cơ chế tuyển dụng, chế độ lương, thưởng, chính sách nhà ở, lộ trình phát triển, cơ hội học tập…
Thực tế thời gian qua cho thấy chúng ta đã thu hút được nhiều tài năng được đào tạo bài bản, chuyên sâu về ngành, lĩnh vực từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới về công tác tại tỉnh nhà. Tuy nhiên do sự quan tâm, bồi dưỡng, tạo điều kiện chưa đúng mức của từng cơ quan, đơn vị, nên không ít tài năng bị thui chột hoặc dời đi nơi khác. Việc thu hút nhân tài chủ yếu tập trung cho hệ thống chính trị, chưa quan tâm cho khối doanh nghiệp, chưa đánh giá, phân loại về trình độ, sở trường của nhân tài để tiếp tục định hướng, đào tạo. Một tài năng bị thui chột, hoặc “chảy máu” đi nơi khác không chỉ là chúng ta mất đi một tài năng, mà còn làm mất đi cơ hội tạo nên lực lượng vật chất to lớn thúc đẩy xã hội phát triển.
Người tài dù ở thời kỳ nào, chế độ nào thì cũng luôn được xã hội trân trọng, ghi nhận. Những tài năng đó nếu nhắm tới mục đích cao nhất là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước thì trở thành những hiền tài, những nguyên khí của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, thu hút tài năng, trọng dụng nhân tài là trách nhiệm của mỗi tổ chức và toàn xã hội, nhất là trong điều kiện đất nước đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế, khi mà kinh tế tri thức đang được đặt lên hàng đầu. Tạo môi trường, điều kiện công tác để các tài năng đó nở rộ, phát triển, cống hiến được nhiều nhất là trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị.
Quảng Ninh mong muốn là đất lành của những hiền tài, vùng đất cho những sáng tạo thăng hoa, vùng đất của kiến tạo những giá trị mới, nên việc tạo môi trường và trọng dụng nhân tài trong thời đại công nghệ, thời kỳ của tri thức sẽ được tỉnh tiếp tục quan tâm.
Ngọc Lan
Ý kiến ()