Tạo đồng thuận trong sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố
Sắp xếp lại quy mô thôn, khu dân cư là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở. Thực hiện chủ trương này, các địa phương trong tỉnh đã rà soát, xây dựng phương án, thực hiện quy trình sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố không đạt tiêu chí theo quy định. Qua các bước triển khai đều được đa số người dân ủng hộ và đồng thuận.
Khắc phục bất cập
Để khắc phục tình trạng thôn, bản, khu phố có quy mô dân số nhỏ, không đồng đều, phân tán, ảnh hưởng đến huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư trong xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; đồng thời từng bước nâng cao mức đãi ngộ cho người làm việc, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, trong những năm qua tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Các bước triển khai trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn hoạt động của các thôn, tổ dân phố.
Đến nay, các thôn, bản, khu phố sau sáp nhập đều hoạt động mang lại hiệu quả rõ nét. Đó là bộ máy tinh gọn hơn, giảm được số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố, giảm chi từ ngân sách nhà nước, trong khi đầu mối giải quyết công việc lại được thu gọn và hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt, sau khi sáp nhập, các địa phương đã chỉ đạo kiện toàn chi bộ thôn, khu phố để đảm bảo triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của từng địa bàn thôn, khu dân cư. Chất lượng sinh hoạt chi bộ được quan tâm; năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt.
Nhằm tiếp tục sắp xếp tổ chức hợp lý cộng đồng dân cư phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển là tinh gọn bộ máy, phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy KT-XH phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở; đồng thời đảm bảo đồng bộ với triển khai công tác bầu cử trưởng, thôn, bản khu phố và tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022-2025, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục tập trung rà soát, xây dựng phương án, thực hiện quy trình sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Theo kết quả rà soát của các địa phương, toàn tỉnh hiện có 1.543 thôn, bản, khu phố. Trong đó có 177 thôn, bản, khu phố đạt dưới 50% tiêu chuẩn thuộc diện phải sắp xếp; 405 thôn, bản, khu phố đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chuẩn; 961 thôn, bản, khu phố đạt từ 100% tiêu chuẩn trở lên. Trên cơ sở tổ chức lấy ý kiến, nhận được sự đồng thuận của nhân dân, các địa phương đề xuất số lượng thôn, bản, khu phố sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập là 182 thôn, bản, khu phố và đổi tên 1 thôn để thành lập 91 thôn, bản, khu phố thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, Đông Triều, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu, Vân Đồn. Trong đó có 83 phương án nhập 2 thôn, bản, khu phố thành 1 thôn, bản, khu phố; 7 phương án nhập 3 thôn, bản, khu phố thành 1 thôn bản, khu phố và 1 phương án nhập 4 thôn, bản, khu phố thành 1 thôn, bản khu phố.
Sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập và đổi tên, toàn tỉnh giảm 91 thôn, bản, khu phố, có lại tổng số 1.452 thôn, bản, khu phố. Đối với 91 thôn, bản, khu phố hình thành sau sắp xếp, sẽ có 60 thôn, bản, khu phố đạt tiêu chuẩn, còn 31 thôn, bản, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của một số thôn thuộc xã vùng cao, miền núi, có địa hình chia cắt phức tạp, thôn có vị trí địa lý tách biệt, dân cư sống rải rác, do vậy sau khi sáp nhập vẫn chưa đảm bảo tiêu chuẩn có thể xem xét là trường hợp đặc thù, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn và quy định hiện hành.
Chính quyền quyết tâm, lòng dân đồng thuận
Thời gian này, việc sắp xếp thôn, tổ dân phố đang thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Tiên Yên - địa phương có số lượng thôn, bản, khu phố thực hiện sắp xếp, sáp nhập nhiều nhất tỉnh, với tổng số 86 thôn, bản. Sau sắp xếp sẽ giảm 43, còn lại 76 thôn, bản, khu phố.
Tại thôn Khe Léng, Khe Quang (xã Dại Dực), ngay từ khi họp thôn lấy ý kiến phương án sáp nhập hai thôn, người dân đã rất hào hứng tham gia phát biểu ý kiến. Ông Nình A Chiu (thôn Khe Quang), chia sẻ: Ai cũng cảm thấy rất phấn khởi vì khi sáp nhập 2 thôn làm một thì nhiều việc thực hiện sẽ thuận lợi và có hiệu quả hơn.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Quang Nình An Sủi cho rằng, sáp nhập thôn sẽ giúp cho việc tổ chức thực hiện hương ước thôn, bản được hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc huy động đóng góp ngày công lao động để thực hiện các công trình phúc lợi cũng sẽ thuận lợi, tập trung hơn, không manh mún, nhỏ lẻ như trước nữa. Trước đây, mỗi lần huy động bà con đi mở đường hoặc sửa chữa các công trình, chỉ lẻ tẻ một vài người, nhìn cũng không thấy khí thế, rồi đến các công trình đầu tư của Nhà nước khi sáp nhập rồi chắc cũng tập trung hơn và nhiều lợi ích khác nữa.
Để chuẩn bị cho quá trình sáp nhập 2 thôn, xã Đại Dực đã xây dựng đề án, tổ chức lấy ý kiến nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhận thức rõ được lợi ích của việc sắp xếp lại thôn, do vậy, việc triển khai phương án sáp nhập 2 thôn Khe Léng, Khe Quang đã cơ bản nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.
Ông Nình A Sìn (thôn Khe Léng) vui mừng chia sẻ: Tôi thấy sáp nhập thôn là chủ trương đúng đắn, qua đó giảm số lượng cán bộ, giảm chi tiêu từ tiền của nhân dân. Bây giờ phương tiện thuận lợi, có xe máy rồi nên chúng tôi không lo đường xa.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực Nguyễn Thế Anh cho biết: Hiện tại, Đại Dực có 10 thôn, phương án sắp xếp lại còn 7 thôn. Đến thời điểm này, xã đã xây dựng xong đề án; phối hợp với MTTQ và các đoàn thể xã tổ chức tuyên truyền, vận động để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp và nhân dân về chủ trương, kế hoạch, mục tiêu, lợi ích của việc sắp xếp các thôn; tổ chức lấy ý kiến của người dân ở địa phương, họp HĐND xã về việc sáp nhập, chia tách thôn, đảm bảo đúng quy trình, quy định, phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị sáp nhập thôn trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Thôn Loỏng Toỏng, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ có 39 hộ dân, thôn Thác Lào bên cạnh cũng chỉ có 40 hộ dân. Đây là 2 thôn không đủ tiêu chí dân số điển hình mà xã Thanh Sơn sẽ thực hiện việc sáp nhập. Vừa qua, 2 thôn này đã thực hiện xong bước lấy ý kiến của người dân để lập đề án sáp nhập. Nếu 2 thôn này được hợp lại sẽ lấy tên gọi là thôn Thành Công.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Loỏng Toỏng Triệu Thị Dung cho biết: Đa số người dân trong thôn đều rất đồng tình, ủng hộ chủ trương sắp xếp lại thôn. Vừa qua, thôn đã tổ chức họp dân để lấy phiếu thăm dò, có khoảng 80% nhất trí sáp nhập.
Trong lần thực hiện sắp xếp, sáp nhập này, toàn huyện Ba Chẽ sẽ sắp xếp, sáp nhập 14 thôn để thành lập 7 thôn. Sau khi sáp nhập, toàn huyện sẽ giảm 7 thôn, còn lại 66 thôn, bản, khu phố.
Cùng với Tiên Yên, Ba Chẽ, việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản, khu phố không đủ tiêu chuẩn quy định và đổi tên 1 thôn được các địa phương triển khai đảm bảo về hồ sơ, quy trình, thủ tục theo quy định. Các địa phương đã rà soát, xây dựng đề án, tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân ở các đơn vị thực hiện sáp nhập và tổ chức kỳ họp HĐND để thông qua. Phương án sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố của các xã, phường, thị trấn đều nêu rõ thực trạng của từng khu dân cư và dựa trên vị trí địa lý liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của người dân, không làm thay đổi địa giới hành chính cấp xã. Đối với những thôn, tổ dân phố có số hộ gia đình không đủ theo tiêu chuẩn nhưng không thể sáp nhập với các thôn khác đều đã nêu rõ lý do như địa hình chia cắt, địa bàn rộng, khác nhau về phong tục tập quán...
Trong quá trình xin ý kiến cử tri, đã đảm bảo phát huy dân chủ theo quy định pháp luật, với tỷ lệ cử tri ủng hộ, đồng thuận cao. Trong 92 phương án được đưa ra để lấy ý kiến nhân dân thì có đến 60 phương án sáp nhập và 1 phương án đổi tên thôn, bản, khu nhận được sự đồng thuận của nhân dân đạt tỷ lệ trên 80%, 30 phương án sáp nhập thôn, bản, khu phố đạt tỷ lệ từ 60% đến 80%; 2 phương án sáp nhập thôn đạt từ 56% đến 60%.
Phương án sáp nhập thôn, bản, khu phố của các địa phương trong huyện đều đã được HĐND xã, thị trấn thông qua và cũng đã được HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết sắp xếp, sáp nhập và đổi tên thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025 tại kỳ họp thứ 7 ngày 31/3/2022. Cùng với việc xây dựng phương án sáp nhập thôn, bản, khu phố, tỉnh cũng đã nghiên cứu và ban hành chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố chịu tác động do sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Từ chủ trương lớn của Đảng tới sự hợp sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, tin tưởng rằng việc sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố giai đoạn 2022-2025 của tỉnh sẽ đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, góp phần xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở. Điều quan trọng là ổn định dân cư, thúc đẩy kinh tế phát triển và đảm bảo trật tự trị an thôn, tổ dân phố văn minh, hiện đại.
Ý kiến ()