Tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển
Những năm gần đây, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương đi đầu trong triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Từ linh hoạt các chính sách ưu đãi, tỉnh đã cụ thể hóa hoạt động hỗ trợ, từng bước tháo gỡ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Nằm ở địa đầu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh là tỉnh có các điều kiện về tự nhiên, xã hội đa dạng và phong phú, được ví như “Một Việt Nam thu nhỏ”, với diện tích đất liền trên 6.000km2 và diện tích mặt biển tương đương với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh riêng. Những năm gần đây, để xây dựng niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Quảng Ninh đã phát đi thông điệp: "Nhà nước sẽ không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn". Với thông điệp đó, Quảng Ninh đã nỗ lực, quyết liệt trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thay cho bị động chờ nhà đầu tư đến với mình như trước. Hằng năm, Quảng Ninh định kỳ tổ chức các buổi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, cafe doanh nhân; chỉ đạo sở, ngành chuyên môn vận dụng các cơ chế chính sách hướng dẫn tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ nhà đầu tư. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từ doanh nghiệp, nhà đầu tư để đồng hành, tìm giải pháp hỗ trợ, nhất là về các khung pháp lý, huy động nguồn vốn, đảm bảo tính khả thi đối với các dự án thu hút đầu tư.
Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh tiếp, làm việc với 40 đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như: Phòng Xúc tiến thương mại Dubai Chambers Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác chế biến và xuất khẩu nông - lâm - thủy sản; cảng biển, logistics... tại tỉnh; nhà đầu tư Trùng Khánh (Trung Quốc) tìm hiểu đầu tư dự án sản xuất và tái chế nhôm (quy mô 10ha, công suất 400.000 tấn nhôm/năm); Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP Đầu tư Thái An Holdings tìm hiểu đầu tư dự án công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, môi trường; Hiệp hội tái sử dụng máy móc xây dựng và công nghiệp Hàn Quốc (Bộ Công nghiệp Hàn Quốc) - KRACIM tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án tái sản xuất máy móc công nghiệp tại CCN phía Đông Đầm Hà B… Đáng chú ý, Đoàn Thương hội Giang Tây tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và 6 công ty lớn của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã đến tìm hiểu đầu tư dự án sản xuất xe điện, vật liệu xây dựng và nội thất tại địa bàn Móng Cái, Hải Hà. Công ty B.Grimm Power (Thái Lan) nghiên cứu, đầu tư dự án điện gió tại TP Đông Triều và Uông Bí, cung cấp năng lượng điện sạch cho KCN Amata tại Quảng Yên với công suất 100MW, tổng mức đầu tư khoảng 160 triệu USD.
Ban Quản lý KKT tỉnh đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn các KCN, KKT, trong đó đã phân công cho các phòng, đơn vị thuộc Ban triển khai thực hiện; thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin, tổng hợp các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Ban cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp để trao đổi, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất vướng mắc của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có tiếp nhận các yêu cầu hỗ trợ pháp lý. Qua các cuộc tiếp xúc, nắm bắt thông tin hoạt động của doanh nghiệp, chủ động giải quyết các vướng mắc trực tiếp, các đề nghị của các nhà đầu tư đúng quy định của pháp luật; giải đáp các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp thuộc chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý. Qua đó, cũng tiếp nhận, tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả. Ban cũng tích cực chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành của tỉnh tổ chức tập huấn, tọa đàm về pháp luật lao động, ATVSLĐ, phòng chống tệ nạn xã hội... cho các doanh nghiệp, người lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thông qua công tác kiểm tra chuyên ngành, Ban đã phổ biến, hướng dẫn các kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, góp phần đưa pháp luật vào đời sống xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với cách làm bài bản, giải pháp căn cơ, cụ thể tại khu vực, từng dự án Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thu hút doanh nghiệp, nguồn vốn FDI vào địa bàn tỉnh. Năm 2024, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thử thách chưa từng có, đặc biệt là cơn bão lịch sử Yagi gây ra những thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh. Trong nước, sự cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương trên cả nước cũng diễn ra mạnh mẽ. Tuy vậy, tỉnh Quảng Ninh vẫn chủ động nắm bắt cơ hội, đón làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trên thế giới để tăng tốc, bứt phá. Cả năm, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn đạt trên 2,8 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Để đón đầu cho kế hoạch thu hút đầu tư FDI năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh đang tiếp tục ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội (nhà ở, thiết chế, công trình tiện ích công cộng cho người lao động), hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, viễn thông, xử lý nước thải, rác thải…), hạ tầng giao thông kết nối trong, ngoài các KCN, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư cho các KCN, KKT của tỉnh thông qua các Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển KKT Vân Đồn; Đề án xây dựng, phát triển nhanh, bền vững các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho một số KCN chuyên ngành và dự án động lực, trọng điểm của tỉnh…
Ý kiến ()