
Tạo điều kiện cho người dân an cư
Quảng Ninh luôn xác định việc đảm bảo chỗ ở ổn định cho người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo và người có công với cách mạng, không chỉ là một nhiệm vụ chính trị mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh đến cách thức cụ thể hóa trên địa bàn, những năm gần đây, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực để xây dựng nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát…
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 21/6/2023 để triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Quảng Ninh phải hoàn thành tối thiểu 8.250 căn trong giai đoạn 2021-2025 và 9.750 căn giai đoạn 2026-2030.
Thực hiện Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 27/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh chỉ tiêu 17.588 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2025-2030, UBND tỉnh đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hạ Long giai đoạn 2021-2025, bổ sung thêm 3 dự án với gần 14.400 căn, nâng tổng quy mô lên khoảng 20.200 căn hộ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai thi công với tổng quy mô khoảng 2.900 căn hộ, gồm: Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi Ngân hàng; Dự án Khu nhà ở công nhân phục vụ KCN Sông Khoai; Dự án nhà ở công nhân KCN Đông Mai; Khu nhà ở xã hội Sunhome cảng hàng không tại xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn); Dự án khu nhà ở xã hội tại phường Kim Sơn, TP Đông Triều. Đồng thời 12 dự án khác với khoảng 20.200 căn nhà đang trong giai đoạn lập quy hoạch.

Song song với việc phát triển nhà ở xã hội, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và người có công. Năm 2024, tỉnh vẫn hoàn thành hỗ trợ 410 hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình khó khăn, đạt 100% kế hoạch đặt ra.
Ngay sau bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào ngày 23/9/2024, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 42, quy định hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ đối với những nhà bị sập, không thể khôi phục, và 50 triệu đồng/hộ sửa chữa nhà hư hỏng nặng. Theo đó đến hết năm 2024, đã có 67/88 hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát với kinh phí gần 3,6 tỷ đồng và 210/391 hộ sửa chữa nhà với tổng kinh phí trên 12,2 tỷ đồng. Các địa phương đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục, giải ngân đúng tiến độ để ổn định đời sống người dân sau bão.
Ngoài ra, Quảng Ninh còn chú trọng chính sách nhà ở cho người có công với cách mạng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2023-2024, đã có 628 hộ gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí 32,880 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Với tinh thần “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến hết năm 2025 xóa bỏ 100% nhà ở tạm, dột nát mới phát sinh cho hộ nghèo, cận nghèo và người có công. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2228/QĐ-UBND Kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong năm 2025”; Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 10/1/2025 về triển khai thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh năm 2025, với mục tiêu phấn đấu trong tháng 10/2025 hoàn thành hỗ trợ đối với 135 hộ nghèo, hộ cận nghèo. UBND tỉnh cũng vừa ban hành Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh trong năm 2025 với khoảng 360 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ; tổng kinh phí thực hiện đề án 17.205,6 triệu đồng; hoàn thành đề án trong năm 2025.
Triển khai thực hiện kế hoạch này, đến hết tháng 3/2025 đã có 107 hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện hỗ trợ đã và đang triển khai xây dựng (gồm: 3 hộ đã hoàn thành xây dựng; 22 hộ đang triển khai xây dựng; 82 hộ đang triển khai các thủ tục xây dựng). Đồng thời, UBND tỉnh đang xem xét phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2025. Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư; hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận chính sách cho vay ưu đãi để xây dựng nhà ở xã hội. Tỉnh đã quy hoạch 663ha đất cho phát triển nhà ở xã hội và 55,5ha đất cho nhà ở công nhân KCN. Tỉnh cũng công khai rộng rãi các chương trình, quỹ đất trên địa bàn.
Những kết quả trên cho thấy sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp ở Quảng Ninh. Việc đẩy mạnh thực hiện các dự án nhà ở xã hội, hỗ trợ xoá nhà tạm, dột nát, chăm lo người có công không chỉ cải thiện vật chất mà còn xuất phát từ tình cảm sâu sắc, thể hiện giá trị nhân văn và trách nhiệm vì cộng đồng.
Ý kiến ()