
Hành trình hướng tới nền quản trị hiện đại, gần dân
Sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã và tiến tới kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện là bước đi đột phá không chỉ mang lại lợi ích trước mắt, mà còn mở ra không gian, cơ hội phát triển bền vững, lâu dài. Triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp phù hợp với thời gian và điều kiện thực tế của địa phương.
Theo Nghị quyết Trung ương 11 (khoá XIII) và Kế hoạch số 47-KH/BCĐ ngày 14/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp, từ ngày 1/7/2025, 696 quận, huyện, thị xã trong cả nước sẽ kết thúc hoạt động và cấp xã giảm khoảng 60-70% trong tổng số 10.035 đơn vị.
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã và tiến tới xóa bỏ cấp huyện là bước đi tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước. Chủ trương này không chỉ nhằm giảm số lượng đầu mối trung gian trong quản lý nhà nước, mà còn hướng tới xây dựng một nền hành chính năng động, gần dân, sát với dân, phục vụ dân tốt hơn.
Ngay sau khi Trung ương ban hành chủ trương, các địa phương trên cả nước đã vào cuộc khẩn trương, chủ động, quyết liệt. Ngày 15/4/2025, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành Kết luận số 1207-KL/TU về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Kết luận nêu rõ: Ngày 14/4/2025, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 68, khóa XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thảo luận, cho ý kiến về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, cơ bản thống nhất phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh là 51 đơn vị, gồm 27 phường, 21 xã và 3 đặc khu (Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái). Trường hợp Trung ương phê duyệt 2 đặc khu (Vân Đồn, Cô Tô) thì sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã toàn tỉnh thành 54 đơn vị, gồm 30 phường, 22 xã và 2 đặc khu.

Tại Kết luận số 1207-KL/TU, Tỉnh uỷ giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện Đề án không tổ chức cấp huyện và sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Quảng Ninh bảo đảm chất lượng, tiến độ, trình cấp có thẩm quyền thông qua theo quy định. Quá trình hoàn thiện đề án phải lưu ý đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian phát triển kinh tế, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp; thực hiện rà soát, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của một số đơn vị nhằm khắc phục tồn tại, bất cập do lịch sử để lại trong công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính, quy hoạch.
Với phương án sắp xếp, đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số lớn hơn, điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn, cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn. Đây là một cuộc cách mạng trong tổ chức bộ máy nhà nước, phản ánh tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước ta.
Khí thế triển khai sắp xếp đơn vị hành chính lan tỏa đến từng cấp, từng ngành, từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Không khí làm việc ở các tổ công tác, các hội nghị triển khai, hoặc lấy ý kiến nhân dân đều diễn ra khẩn trương, sôi nổi, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận cao. Hầu như ở đâu khi được phát phiếu xin ý kiến, người dân cũng hồ hởi, phấn khởi đón nhận chủ trương của Đảng và thể hiện sự nhất trí cao với phương án sắp xếp được các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm khoa học.
Theo tổng hợp của Sở Nội vụ, trong tổng số gần 357.000 cử tri đại diện hộ gia đình trong toàn tỉnh tham gia ý kiến, có tới 99,53% đồng ý với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và 98,99% đồng ý với tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã mới. Trong đó, nhiều địa phương có tỉ lệ cử tri đồng thuận rất cao, phản ánh tinh thần trách nhiệm của người dân, cũng như tính dân chủ trong quá trình thực hiện.
Điển hình như: Huyện Tiên Yên có 99,9% cử tri đồng ý với việc thành lập đơn vị hành chính mới và 99,43% đồng ý với tên gọi hành chính mới; huyện Bình Liêu có 99,79% cử tri đồng ý với việc thành lập đơn vị hành chính mới và 99,55% đồng ý với tên gọi đơn vị hành chính mới; TP Uông Bí có 99,50% cử tri đồng ý với việc thành lập đơn vị hành chính mới và 97,1% đồng ý với tên gọi đơn vị hành chính mới... Đây chính là nền tảng vững chắc cho thành công của công cuộc sắp xếp này.
Những băn khoăn ban đầu về tên gọi, trụ sở, lịch sử hình thành… nhanh chóng được hóa giải bằng sự minh bạch, công khai và thuyết phục trong từng bước đi của chính quyền. Người dân đã hiểu rằng, đây không phải là một cuộc chia tách - nhập lại đơn thuần, mà là một quá trình tái cấu trúc không gian phát triển, mở ra cơ hội và điều kiện phát triển lớn mạnh ở mỗi địa phương, để lại dấu ấn sâu sắc trong hành trình xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, vì dân và gần dân.
Ý kiến ()