
Ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp: Xu thế tất yếu để phát triển bền vững
Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đang được các địa phương, doanh nghiệp, nhà nông trong tỉnh áp dụng rộng rãi. Hướng đi này không chỉ là giải pháp tối ưu nhằm khắc phục những rào cản liên quan đến biến đổi khí hậu, sự hạn hẹp về diện tích trong canh tác khi đô thị hóa ngày càng nhanh mà đây còn là một xu thế tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.
Tăng sản lượng, nâng cao giá trị nông sản
Nhận thấy Quảng Ninh có tiềm năng về trồng dược liệu, Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã đầu tư, xây dựng hơn 12ha vùng trồng dược liệu tại TP Cẩm Phả. Để các sản phẩm từ cây dược liệu đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài, công ty tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư, trang bị máy móc và xây dựng các chiến lược kinh doanh lâu dài. Năm 2020, công ty đã đầu tư để xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO với phòng nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhà sấy, máy đóng gói quy mô lớn trên diện tích 500m2. Hiện doanh nghiệp đang có hơn 40 sản phẩm được chế biến từ các loại dược liệu đương quy, ngải mọi, thìa canh, giảo cổ lam… Trong đó có 2 sản phẩm được đề cử 5 sao, 14 sản phẩm đã được xếp loại 4 sao, còn lại là 3 sao. Doanh nghiệp cũng đang liên kết với các hợp tác xã và hộ dân để từng bước mở rộng vùng trồng dược liệu, nâng tầm cho dược liệu Việt.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cũng đã tận dụng lợi thế từ KHCN để nâng cao giá trị cho nông sản, mở rộng kết nối, tiêu thụ. Là doanh nghiệp KHCN của tỉnh, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) luôn coi trọng ứng dụng KHCN vào sản xuất. Với dây chuyền máy móc hiện đại để chế biến thủy sản thô trở thành những sản phẩm mang thương hiệu riêng có của vùng đất Vân Đồn, như: Tinh hàu, ruốc hàu, ruốc cơ trai, ruốc bề bề, ruốc tép, ruốc cá, ruốc ngao hai cùi…, các sản phẩm của công ty được cung cấp, tiêu thụ rộng rãi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bavabi hiện là doanh nghiệp chế biến hải sản duy nhất của Quảng Ninh sở hữu 2 sản phẩm OCOP 5 sao là ruốc hàu Thái Bình Dương và ruốc cơ trai. Chị Vũ Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty Bavabi, cho biết: Không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm, công ty chủ động đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất hiện đại để chế biến hải sản và hệ thống vệ sinh, đóng lọ tự động, khép kín đảm bảo VSATTP tuyệt đối, thay thế cho phương pháp thủ công trước đây. Các sản phẩm của Bavabi nói chung, sản phẩm OCOP của Bavabi nói riêng, giữ được giá trị dinh dưỡng tốt nhất và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Hay như Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh. Đây là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và sản xuất kinh doanh giống thủy sản. Kể từ mẻ tôm giống đầu tiên đưa ra thị trường vào tháng 3/2019 đến nay, Công ty đã không ngừng cải tiến quy trình công nghệ, áp dụng hiệu quả hệ thống trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu như ứng dụng công nghệ sản xuất tảo, vi sinh làm thức ăn cho ấu trùng; hệ thống lắng, xử lý nước tuần hoàn, hệ thống lọc bằng tia UV; công nghệ chọn lọc tôm bố mẹ. Đặc biệt, phòng xét nghiệm Real-time PCR của Việt - Úc Quảng Ninh có năng lực xét nghiệm 9 loại bệnh trên tôm theo tiêu chuẩn quốc tế… Những giải pháp đầu tư đồng bộ, hiện đại toàn bộ dây chuyền đã giúp tôm giống mà Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh đưa ra thị trường được nâng cao rõ rệt qua từng năm cả về công suất và chất lượng. Hiện mỗi năm, công ty cung ứng ra thị trường khoảng hơn 1 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng.

Gia tăng tiềm lực KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp
Với 362.000ha đất rừng và đất canh tác hàng năm, cùng trên 45.600ha mặt biển nuôi trồng, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang quản trị một diện tích rất lớn phục vụ sản xuất hàng năm.
Để có thể gia tăng giá trị, hiệu quả canh tác cũng như quản trị hiệu quả, thời gian qua ngành nông nghiệp đã tăng cường ứng dụng KHCN cũng như số hóa nhiều khâu quản lý. Tiêu biểu như tại vùng trồng vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí) vài năm gần đây đã duy trì áp dụng hệ thống chuẩn hóa dữ liệu vùng trồng theo tiêu chuẩn OTAS nhằm minh bạch trong việc truy xuất hướng tới xuất khẩu, đặc biệt là các quốc gia châu Âu. Trong lĩnh vực thủy sản đã hình thành khu nuôi biển đa canh, đa giá trị có ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến như: Hệ thống xử lý nước an toàn sinh học; vật liệu sử dụng hoàn toàn bằng chất liệu HDPE và inox 304 đảm bảo môi trường; hệ thống chiếu sáng sử dụng hoàn toàn năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại huyện Vân Đồn. Toàn tỉnh đã có 100% tàu cá được lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) và đưa vào quản lý, triển khai “Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử eCDT”.

Về phía Sở KH&CN, ngành cũng tăng cường thực hiện các đề tài, nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững các nguồn gen quý hiếm. Xây dựng các mô hình ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao KHCN cao, chế biến sâu; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…
Đáng chú ý, để đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã dành từ 6-7% chi ngân sách thường xuyên mỗi năm, tương đương với khoảng 600-800 tỷ đồng cho KHCN, trong đó có ngành nông nghiệp. Tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó, tiếp tục nhấn mạnh vai trò của KHCN đối với lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên nghiên cứu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái đa lợi ích.
Ý kiến ()