![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Tăng giá trị ngành thương mại nội địa
Để nâng cao sức mạnh của thị trường tiêu dùng nội địa, việc kích cầu sức mua là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế. Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, Sở Công Thương đã yêu cầu các nhà bán lẻ nội địa tổ chức hàng loạt chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi tập trung, liên kết vùng, xúc tiến thương mại... nhằm tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, khẳng định vai trò, sức mạnh của thị trường nội địa với tăng trưởng kinh tế.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310321_2306442_6b9a3718_09294923_15163905.jpg)
Theo đó, thời gian qua, công tác tuyên truyền kích cầu tiêu dùng nội địa bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã được đặc biệt quan tâm, từ các cuộc họp, sinh hoạt ở tổ dân cư, khu phố đến các địa điểm công cộng hay trụ sở các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nổi bật là thúc đẩy, kích cầu toàn diện du lịch nội địa, sử dụng sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong tỉnh... Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mỗi gia đình, mỗi người thay đổi thói quen tiêu dùng hằng ngày, tổ chức các hoạt động học tập, trải nghiệm, tham quan, du lịch trong tỉnh đến việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Chung tay với tỉnh, các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ, phân phối… trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động nắm bắt nhu cầu của khách hàng để đảm bảo nguồn cung các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh, cam kết bán hàng đúng giá niêm yết. Chủ động nhập nguồn hàng cũng như có các chính sách khuyến mại giảm giá để kích cầu việc mua sắm của người dân. Các tổ chức, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, đặc trưng của tỉnh cũng tích cực phát huy năng lực sản xuất, kinh doanh và điều chỉnh kế hoạch, phương án sản xuất của đơn vị để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngay tại thị trường trong tỉnh.
Đặc biệt, hoạt động thương mại tại Quảng Ninh có nhiều thuận lợi để phát triển. Tính đến nay, toàn tỉnh có có 133 chợ, 26 siêu thị, 7 trung tâm thương mại; 384 cửa hàng tiện lợi; 25 trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP, 24.000 cửa hàng/hộ kinh doanh bán lẻ thực phẩm đang hoạt động, điều này tạo nên một hệ thống phân phối hàng hóa đa dạng và phong phú.
Các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đang có sức mua rất lớn và được người tiêu dùng ưa chuộng thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), hội chợ, Tuần xúc tiến Thương mại… Tính đến thời điểm hiện tại, 393 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao đã được lên các sàn TMĐT: Shopee, Tiki, Lazada, YouTube, TikTok để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng. Có 82 sản phẩm OCOP được kết nối tiêu thụ ổn định vào các kênh tiêu thụ hiện đại tại siêu thị GO! Hạ Long, MM Mega Market, Winmart, Aloha..., chuỗi cửa hàng tiện lợi nông sản sạch và các điểm mua sắm sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh phục vụ khách du lịch; 123 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được tiêu thụ tại một số thị trường các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương…
Quảng Ninh đã tích cực tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại để kích cầu tiêu dùng, như Tuần hàng Việt và các chương trình kết nối kinh doanh. Những sự kiện này không chỉ mang đến cơ hội cho doanh nghiệp mà còn tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm nội địa.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310322_2304968_img_0801_16343319_15183705.jpg)
Để có định hướng về lộ trình phát triển thương mại nội địa theo hướng hiện đại, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chiến lược phát triển thương mại nội địa tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, giai đoạn 2022-2025, phấn đấu giá trị tăng thêm của ngành thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9-9,5%/năm và đóng góp khoảng 10-12%/năm giai đoạn 2026-2030; đến năm 2030, đóng góp khoảng 15% vào kinh tế của tỉnh. Tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2022-2025 đạt tốc độ tăng bình quân 17-18%/năm; giai đoạn 2026-2030, tốc độ tăng bình quân từ 15-16%/năm...
Giai đoạn 2031-2045, tỉnh phấn đấu giá trị tăng thêm thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 8,5-9%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và thương mại dịch vụ đạt tốc độ tăng bình quân 12-13%/năm; đến năm 2045 kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa và 100% các hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên áp dụng công nghệ số hóa; giữ thị phần hàng Việt Nam đạt trên 80% tại các kênh phân phối trong siêu thị, trung tâm thương mại và trên 70% tại các chợ truyền thống.
Cùng với đó, TMĐT phát triển mạnh mẽ với doanh thu chiếm 15% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 12%/năm; 70% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước; hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa trên phạm vi toàn tỉnh; 100% các hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên áp dụng công nghệ số hóa. Đây là một lộ trình rõ ràng và cụ thể nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ý kiến ()