Hoàn thiện giao thông kết nối liên vùng
Tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, năm 2024 nhiều tuyến đường mang ý nghĩa kết nối vùng và liên vùng đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Với hạ tầng giao thông đang dần được hoàn thiện sẽ là động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của tỉnh Quảng Ninh mà của cả vùng.
Sau hơn 2 năm nỗ lực vượt khó trong tổ chức thi công, công trình cầu Bến Rừng và đường dẫn - một hành lang giao thông đường bộ thứ 3 nối liền Quảng Ninh - Hải Phòng chính thức được thông xe vào ngày 17/7/2024. Công trình đã hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mở rộng không gian phát triển mới, kiến tạo cảnh quan và đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Sau hơn nửa năm đưa vào sử dụng, lượng phương tiện và hàng hóa lưu thông qua tuyến đường tăng lên từng ngày.
Anh Trần Anh Bắc, lái xe đoàn vận tải Công ty Nam Phát (TX Quảng Yên), cho biết: Trước đây, tôi thường xuyên vận tải hàng hóa từ các tỉnh đến nhà máy tại TX Quảng Yên thông qua cầu Đá Bạc hoặc cầu Bạch Đằng, nhưng từ ngày cầu Bến Rừng đưa vào sử dụng, tôi thay đổi lộ trình. Việc đi lại dễ dàng hơn rất nhiều, thời gian di chuyển cùng các chi phí vận tải giảm hẳn so với trước.
Cùng với công trình cầu Bến Rừng và đường dẫn, trong năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Bình Minh kết nối vùng cao với trung tâm đô thị của TP Hạ Long cùng nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng trong kết nối liên vùng giữa Quảng Ninh với các tỉnh, thành phố như: Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn qua địa bàn huyện Ba Chẽ kết nối với tỉnh Lạng Sơn; nút giao thông Đầm Nhà Mạc, đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với đường tỉnh 338 giai đoạn I. Đồng thời, tổ chức khởi công một số dự án hạ tầng giao thông mới như: Dự án đường tỉnh 327 nối nút giao Cổng tỉnh đến đường trục chính trung tâm TP Đông Triều; đường tỉnh 345 kết nối với tỉnh Bắc Giang; dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 333 kết nối TP Đông Triều với TP Thủy Nguyên (Hải Phòng) thông qua cầu Lại Xuân...
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình trọng điểm trong kết nối vùng và liên vùng như dự án đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với TP Đông Triều, Dự án nâng cấp QL279 kết nối QL18 với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn...
Những nỗ lực trong hoàn thiện kết nối giao thông đã góp phần quan trọng trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024. Đặc biệt là công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và tại các địa phương có dự án đi qua. Như tại TP Đông Triều, địa phương cửa ngõ phía Tây của tỉnh với định hướng phát triển kinh tế gắn liền với liên kết vùng và liên vùng trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư vừa được tổ chức ngày đầu tiên của năm mới 2025 đã thu hút và ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư đối với 5 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 7.400 tỷ đồng.
Ông Bùi Tô Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sân Golf Silk Path, cho biết: Với lợi thế là cửa ngõ của tỉnh Quảng Ninh, trên trục kết nối Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nơi phát triển du lịch văn hóa truyền thống của nhà Trần, hệ thống giao thông kết nối được hoàn thiện, đây là những yếu tố quan trọng mà mỗi nhà đầu tư đều mong muốn để có cơ hội đầu tư tại đây. Do vậy, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng sân Golf Đông Triều, chúng tôi sẽ đầu tư dự án cảng, logistics tại thành phố trẻ Đông Triều.
Đánh giá về những nỗ lực trong việc hoàn thiện kết nối liên vùng và nội vùng của tỉnh Quảng Ninh, ông Takeshi Omika, Phó Tổng Giám đốc quản lý dự án, Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long chủ đầu tư khu công nghiệp Sông Khoai, cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh rất chú trọng đầu tư nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư quan tâm khi tới nghiên cứu đầu tư. Như tại khu công nghiệp Sông Khoai nơi mà Tập đoàn chúng tôi đang đầu tư tại khu kinh tế ven biển Quảng Yên, với những lợi thế về kết nối giao thông đã và đang hình thành là những lợi thế cạnh tranh để góp phần thúc đẩy các dự án thứ cấp được đầu tư vào khu công nghiệp. Vì không chỉ vận chuyển hàng hóa đi các cảng biển, các trung tâm logistics nhanh chóng mà nguồn nhân lực di chuyển cũng dễ dàng.
Với hạ tầng giao thông liên vùng và nội vùng đã và đang tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ, liên thông tổng thể sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu năm 2025 bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới.
Ý kiến ()