![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Nâng cao chất lượng dân số để phát triển bền vững
Công tác DS-KHHGĐ đang được các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
![Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại gia đình ở phường Hải Yên (TP Móng Cái).](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2309996_kham_suc_khoe_cho_nguoi_cao_tuoi_tai_gia_dinh_o_phuong_hai_yen_tp_mong_cai_21363304.jpg)
Năm 2024 dân số toàn tỉnh đạt 1.429.841 người. Số trẻ được sinh ra trong năm là 16.455. Số lượng người cao tuổi trong tỉnh chiếm trên 15,7%, với 225.033 người. Quảng Ninh thuộc vùng mức sinh thay thế, tỷ suất sinh là 11,54‰.
Công tác DS-KHHGĐ được các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, đơn vị liên quan triển khai đa dạng các hoạt động, với nhiều giải pháp và hình thức sáng tạo trong cộng đồng, như: Triển khai các chương trình truyền thông thay đổi hành vi về dân số, nhấn mạnh các chính sách và pháp luật liên quan; tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Các hoạt động liên quan đến nâng cao chất lượng dân số như: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Năm 2024 có 98,9% phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và 79,9% trẻ sơ sinh được sàng lọc ít nhất 4 loại bệnh; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 98,2%. Đây được xem là kết quả tích cực giúp việc phát hiện sớm và can thiệp được những bệnh lý của trẻ em cũng như nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi. Các xã miền núi, DTTS trong tỉnh duy trì hiệu quả CLB phòng chống tảo hôn, góp phần giảm thiểu các trường hợp kết hôn và sinh con trước tuổi quy định...
Chị Nguyễn Thị Hương Linh, Trưởng Phòng DS-TT&GDSK (Trung tâm Y tế TP Hạ Long), cho biết: Thực hiện chương trình dân số hằng năm, đơn vị tập trung tuyên truyền, tư vấn, vận động, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về công tác DS-KHHGĐ. Điển hình là kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc SKSS, các trạm y tế xã, phường đều thực hiện cam kết không thực hiện các dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh... Từ đó chất lượng dân số dần được cải thiện, kể cả ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.
Tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, đặc thù thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, tăng cường bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em ở vùng DTTS. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức được tăng cường, mở rộng địa bàn; tăng số lượng người tham gia và được đổi mới hiệu quả để phù hợp với từng khu vực, từng địa phương. Các ngành chức năng, địa phương tích cực tuyên truyền thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, lồng ghép với thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống mua bán người, huy động sự tham gia tích cực của nam giới và giới trẻ.
![Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên khám sức khỏe cho trẻ em trước khi tiêm chủng.](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2309997_bac_si_trung_tam_y_te_huyen_tien_yen_kham_suc_khoe_cho_tre_em_truoc_khi_tiem_chung_21384404.jpg)
Các cấp, ngành, địa phương có nhiều giải pháp thiết thực để vận động phụ nữ sinh con đúng chính sách, đồng thời hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Chị Phạm Thị Hòa, cán bộ dân số xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên), cho biết: Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về hôn nhân cận huyết thống, chăm sóc SKSS; phối hợp tổ chức hội nghị, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt CLB; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua hoạt động ngoại khóa tại trường THPT... Đặc biệt, nhờ vai trò của cán bộ dân số, cộng tác viên dân số ở cơ sở, nhận thức của người dân ngày một được nâng lên, nhất là trong việc sinh đẻ có kế hoạch và lựa chọn giới tính thai nhi.
Đầu tư cho công tác dân số không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn góp phần vào việc giảm nghèo, tăng cường sức khỏe cộng đồng cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()