
Sống, chiến đấu như lời Bác Hồ dạy
Người lính Cụ Hồ dù ở thời đại nào cũng luôn là những tượng đài bất tử. “Bộ đội Cụ Hồ” trong kháng chiến là những người “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Khi trở về với cuộc sống đời thường, họ lại tiếp tục tiên phong đi đầu, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần cách mạng của người lính tạo nên thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; góp phần sức lực vào công cuộc xây dựng quê hương Quảng Ninh ngày càng giàu mạnh.
Những người lính kiên cường trong quân ngũ
Sinh ra lớn lên tại huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên), khi mới 17 tuổi, tháng 4/1972 chàng thanh niên Nguyễn Quốc Kỳ nhập ngũ. Ông được biên chế tại Tiểu đoàn 58 phòng không - không quân thuộc Tỉnh Đội Hải Hưng (cũ). Là xạ thủ pháo cao xạ 37mm; những năm cuối 1972, chiến sĩ Nguyễn Quốc Kỳ tham gia đánh nhiều trận với máy bay địch tại các trọng điểm đánh phá như: Nhà máy Sứ Hải Dương; bến Hàn, sông Lục Đầu Giang, Phả Lại… trong đó có nhiều trận đơn vị ông bắn rơi nhiều máy bay địch.
CCB Nguyễn Quốc Kỳ kể: Cuối năm 1972, Mỹ tăng cường ném bom bắn phá các cầu phà, đường giao thông huyết mạch, nhà máy xí nghiệp... liên tục cả ngày đêm. Nhưng với quyết tâm cao trong toàn đơn vị, riêng khẩu đội của tôi đã đánh trả địch những đòn chí mạng, góp phần cùng quân và dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris tháng 1/1973 chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Sau khi đất nước thống nhất, chiến sĩ Nguyễn Quốc Kỳ chuyển sang Trung đoàn 272 (pháo cao xạ) trực thuộc Quân khu 3; tiếp tục nhiệm vụ huấn luyện, trực chiến tại tỉnh khu vực Đông Bắc. Đến tháng 2/1976, chiến sĩ Nguyễn Quốc Kỳ tiếp tục điều động về Trung đoàn 11 thuộc Quân khu 3 (bây giờ là Xí nghiệp 11, thuộc Tổng Công ty 319 - Bộ Quốc phòng). Đây là đơn vị trực tiếp xây dựng các công trình, nhà máy, xí nghiệp phục vụ phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh.
Do địch đánh phá, các công trình cầu, đường, nhà máy, xí nghiệp, trường học... sau chiến tranh phải xây dựng lại và mở rộng như: Nhà máy gạch Tiêu Giao (tỉnh Quảng Ninh); Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (tỉnh Hải Dương); Trường Sĩ quan Chính trị (tỉnh Bắc Ninh)... “Người lính lúc đó hăng say lắm, ai cũng nỗ lực hết mình dù điều kiện khó khăn thiếu thốn về phương tiện, máy móc nhưng người lính chúng tôi đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà quân đội giao phó” - CCB Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.
Sau đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ điều động về công tác tại Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh; Ban CHQS huyện Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long) và cuối năm 1993 ông về nghỉ chế độ với quân hàm thiếu tá.

Giống như ông Nguyễn Quốc Kỳ, ngay từ nhỏ, ông Nguyễn Mạnh Ngát (60 tuổi) phường Hồng Phong (TP Đông Triều) có ước mơ trở thành người sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam. Học xong THPT năm 1984, chàng thanh niên Nguyễn Mạnh Ngát theo học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 (nay Đại học Trần Quốc Tuấn). Sau khi tốt nghiệp năm 1987, sĩ quan Nguyễn Mạnh Ngát được điều động làm Trung đội trưởng, Đại đội 17, Trung đoàn 617, Sư đoàn 346, Quân khu 1.
Là sĩ quan trẻ được đào tạo bài bản, Nguyễn Mạnh Ngát luôn phát huy năng lực trình độ bản thân đảm nhận vị trí công tác từ trung đội trưởng, đại đội trưởng và tiểu đoàn trưởng. Ông Ngát cho biết: Ở vị trí nào bản thân luôn phải gương mẫu, tác phong chuẩn mực; nói đi đôi với làm, lấy tập thể rèn luyện tính cá nhân trong đơn vị. Bản thân tôi tích cực học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, kinh nghiệm về mọi mặt, thường xuyên sâu sát trong quản lý, chỉ huy bộ đội và trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trong công tác quản lý, huấn luyện chiến sĩ, ông Ngát luôn nắm chắc các nội dung huấn luyện được phân công, trong đó chú trọng đến phương pháp sư phạm, cố gắng truyền đạt nội dung một cách đơn giản, giúp chiến sĩ dễ hiểu, dễ nhớ; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện những thiếu sót để chấn chỉnh, uốn nắn những động tác sai, rút kinh nghiệm ngay tại thao trường hoặc thông qua giao ban đơn vị.
Năm 2007, ông Nguyễn Mạnh Ngát được điều động về trợ lý, phòng tác chiến Quân khu 3, Phó Chỉ huy trưởng, Ban CHQS huyện Bình Liêu, Trưởng Ban tác huấn, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh. Sau 36 năm công tác, đến năm 2020, ông Nguyễn Mạnh Ngát nghỉ chế độ với quân hàm đại tá, sinh sống tại quê hương Đông Triều.
“Lập chiến công” trong thời bình
Kết thúc thời gian phục vụ trong quân đội, những người lính trở về với cuộc sống đời thường không phải để nghỉ ngơi mà họ lại bước vào một chặng đường mới cũng đầy khó khăn thử thách. Phẩm chất, kinh nghiệm của người lính, bản lĩnh người đảng viên lại được thể hiện môi trường mới ngay tại địa phương. CCB Nguyễn Quốc Kỳ được nhân dân tin tưởng bầu làm trưởng khu phố 3, thị trấn Trới (huyện Hoành Bồ cũ); sau 5 năm, ông được hội viên CCB tin tưởng bầu làm Chủ tịch Hội CCB thị trấn Trới sau là phường Hoành Bồ trong 3 nhiệm kỳ (2007-2022). Trong khi đang làm Chủ tịch Hội CCB thị trấn Trới, nhưng CCB Nguyễn Quốc Kỳ luôn có ý tưởng làm giàu, xây dựng quê hương. Năm 2005, ông nhận thấy khu vực thị trấn Trới có lượng rác thải sinh hoạt lớn trong khi lại không có đơn vị thu gom; ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường địa bàn. Chính điều này đã làm ông nảy sinh ý tưởng thành lập một đơn vị thu gom rác thải để có thu nhập cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường nơi đây.

Năm 2006, CCB Nguyễn Quốc Kỳ thành lập HTX Thu gom rác Đoàn Kết để thu gom rác thải tại các tổ dân, khu phố khu vực thị trấn Trới. CCB Nguyễn Quốc Kỳ cho biết: Lúc đó nguồn tài chính hạn hẹp, tôi chỉ đầu tư vài xe đẩy rác cùng 1 xe công nông để thu gom đưa rác đến nơi tập kết để xử lý. Khi có vốn và mở rộng thu gom ở các xã của huyện Hoành Bồ, CCB Nguyễn Quốc Kỳ thành lập Công ty CP Phát triển công nghệ môi trường do ông làm Chủ tịch HĐQT vào năm 2009.
Sau gần 20 năm đi vào hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hiện nay Công ty CP Phát triển công nghệ môi trường đã đầu tư 4 xe ép rác, 10 xe chở rác, 3 xe tưới nước rửa đường đảm bảo việc thu gom rác thải tại 4 xã và 1 phường của TP Hạ Long. Trung bình một ngày Công ty thu gom khoảng 20 tấn rác thải đảm bảo việc làm cho trên 100 lao động với mức thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng; công nhân phần lớn là các CCB, con em thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam và những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Hiện nay, CCB Nguyễn Quốc Kỳ là Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp doanh nhân CCB Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp CCB TP Hạ Long. Hằng năm, CCB Nguyễn Quốc Kỳ luôn chú trọng thực hiện tốt nghĩa vụ an sinh. Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp của ông đóng góp trên 100 triệu đồng cho đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, quỹ nghĩa tình đồng đội… của thành phố và của Hội CCB tỉnh. Hiện, CCB Nguyễn Quốc Kỳ đang nhận đỡ đầu cho 1 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TP Hạ Long với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng đến khi 18 tuổi.

Còn CCB Nguyễn Mạnh Ngát vẫn giữ tác phong của người lính gương mẫu sống giữa đời thường và tham gia hoạt động địa phương. Năm 2022, ông được đảng viên và nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư Bình Lục Hạ từ đó đến nay. CCB Nguyễn Mạnh Ngát cho biết: Là cán bộ khu phố tôi nhận thấy trên địa bàn, bà con nông dân chưa tận dụng hết diện tích đất nông nghiệp, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết để tạo giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi dành thời gian đi tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn mô hình kinh tế HTX để liên kết với bà con nông dân làm du lịch trải nghiệm mang lại nguồn thu nhập cho người dân.
Đầu năm 2023, HTX Du lịch Thiên đường Thiên Mục hoa được thành lập do CCB Nguyễn Mạnh Ngát làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Lúc đầu HTX có 8 thành viên và liên kết với 90 hộ thành viên là nông dân trên địa bàn. Đến nay số thành viên liên kết của HTX lên đến gần 200 hộ với tổng diện tích 70ha. HTX ký thuê quyền sử dụng đất 10 năm của hộ thành viên liên kết và nông dân để thống nhất trong quy hoạch chuyển đổi và đề án phát triển sản xuất. HTX Du lịch Thiên đường Thiên Mục hoa thành điểm trải nghiệm du lịch mang nhiều màu sắc thiên nhiên. Đây mới là tư duy kinh tế nông nghiệp và xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch hiện nay.
Trong 2 năm (2023-2024) dưới sự lãnh đạo của Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Bình Lục Hạ Nguyễn Mạnh Ngát, đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động 118 hộ gia đình tự nguyện hiến trên 24.000m2 đất để mở rộng đường trung tâm khu, đường phục vụ sản xuất, xây dựng các công trình hồ, khuôn viên nhà văn hóa, khuôn viên cây xanh... tổng nguồn vận động xã hội hóa và huy động nguồn lực nhân dân trên 19 tỷ đồng.

CCB Nguyễn Quốc Kỳ và Nguyễn Mạnh Ngát là 2 trong số hàng trăm CCB trên địa bàn tỉnh phát huy tinh thần gương mẫu học và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cấp ủy chính quyền địa phương ghi nhận đánh giá cao. Những năm qua, các CCB trong tỉnh luôn tích cực thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương tại cộng đồng, tại cơ quan, đơn vị.
Từ kết quả trên, năm 2024 các cấp hội đã vận động hiến hàng nghìn m2 đất để làm hàng trăm km đường nông thôn; lắp đặt gần 14.000 bộ bóng đèn các loại, tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công, chiếu sáng trên 318km đường với trên 10.600 hộ dân được thụ hưởng. Các cấp hội cũng đã xây mới, sửa chữa 17 nhà cho hội viên, tổng trị giá gần 1 tỷ đồng; toàn tỉnh có 236 hội viên là chi hội trưởng CCB tiêu biểu, xuất sắc được các cấp Hội CCB trong tỉnh tuyên dương; có gần 6.000 hội viên CCB được đề nghị Trung ương Hội CCB tặng Kỷ niệm chương.
Chủ tịch Hội CCB tỉnh Đàm Huy Đắc cho biết: Những cán bộ hội viên CCB sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội đã luôn thể hiện ý chí khát vọng đóng góp cho quê hương. Điều này đã góp phần lan tỏa sâu rộng trong hội viên, xuất hiện ngày càng nhiều cách làm hay, sáng tạo, mô hình phát triển kinh tế thiết thực, hiệu quả cao, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo QP-AN tại địa phương.
Ý kiến ()