
Bình Liêu khai mạc Hội Kiêng gió 2025
Sáng 1/5, huyện Bình Liêu tổ chức lễ công bố và đón nhận Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa "Tục Kiêng gió của người Dao" xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời tổ chức khai mạc Hội Kiêng gió 2025. Dự buổi lễ có đồng chí Vi Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tham dự buổi lễ còn có các đồng chí lãnh đạo các địa phương, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo và đoàn đại biểu khu Phòng Thành (Thành phố Phòng Thành Cảng, Quảng Tây, Trung Quốc), cùng đông đảo nhân dân địa phương và du khách. Sự kiện là hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc.
Cùng với lễ hội Đình Lục Nà, Hội Hoa Sở, Hội Soóng cọ, Hội Mùa vàng…, Hội Kiêng gió từ nhiều năm nay đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa, du lịch mang thương hiệu của Bình Liêu. Đây là một trong những hoạt động văn hóa tinh thần độc đáo của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán trên địa bàn huyện đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Theo lời kể của các cụ cao tuổi thì vào ngày Kiêng gió, người Dao lặng lẽ rời nhà từ sớm, để khi Thần Gió vào nhà sẽ mang đi những rủi ro, phiền muộn của năm cũ và đem vào nhà những điều tốt lành, sự ấm no, sung túc. Người Dao tin rằng trong ngày 4/4 âm lịch, dù có làm bất cứ điều gì cũng không thuận lợi. Họ tạm gác lại mọi công việc, thả trâu lên rừng, cả bản rủ nhau "mì sèng phẩy hêy dảo" ("đi chơi chợ mùng 4 tháng tư").

"Tục Kiêng gió" không chỉ là một nghi lễ mang yếu tố tâm linh, mà còn là thông điệp văn hóa sâu sắc về sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa cõi thực và cõi vô hình. Đó là cách cộng đồng người Dao củng cố niềm tin, gắn kết yêu thương và giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng. Qua năm tháng, tục lệ ấy không hề bị mai một, mà vẫn sống động trong đời sống nhân dân, được gìn giữ bởi các nghệ nhân, các thầy mo, thầy cúng và cộng đồng. Việc tục Kiêng gió được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là một vinh dự, mà còn là trách nhiệm đối với chính quyền và nhân dân địa phương.
Anh Dường Phúc Thím (Thôn Khe Tiền, Xã Đồng Văn) tự hào chia sẻ: "Tục Kiêng gió của người Dao được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả của cộng đồng người Dao Thanh Phán trên địa bàn xã Đồng Văn nói riêng, toàn huyện nói chung trong việc gìn giữ, duy trì và bảo tồn phong tục truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Dao trong suốt những năm qua. Người dân chúng tôi càng quyết tâm hơn để lan tỏa những di sản văn hóa truyền thống của cha ông đến thế hệ mai sau, cũng như du khách khắp nơi".



Theo lãnh đạo huyện Bình Liêu, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chuyên môn để xây dựng kế hoạch bảo tồn "Tục Kiêng gió" của người Dao xã Đồng Văn một cách bài bản, khoa học và bền vững; gắn việc bảo tồn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho nhân dân, đặc biệt là cộng đồng dân tộc Dao xã Đồng Văn; khuyến khích cộng đồng dân tộc Dao đẩy mạnh tham gia gìn giữ di sản, nhất là thế hệ trẻ, để "Tục Kiêng gió" trở nên sống động trong hiện tại và được kế thừa, phát triển trong tương lai.
Hội Kiêng gió năm 2025 diễn ra từ ngày 30/4 đến 4/5 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc như: Liên hoan văn nghệ giữa các thôn, bản; thi đấu các môn thể thao dân tộc; giao lưu đánh quay giữa nhân dân xã Đồng Văn, Hoành Mô (Việt Nam) và trấn Động Trung (Trung Quốc); trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công, sản phẩm OCOP, ẩm thực truyền thống; trải nghiệm du lịch cộng đồng…


Trong dịp nghỉ lễ này, huyện Bình Liêu dự kiến thu hút 14.000 lượt khách tham quan. Đây cũng là dịp quan trọng để quảng bá hình ảnh Bình Liêu như một điểm đến du lịch biên giới hấp dẫn, hướng tới mục tiêu đón 500.000 lượt khách trong năm 2025.
Ý kiến ()