
Người Việt Nam kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 từ năm nào?
Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 mang ý nghĩa đặc biệt, gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên ở Việt Nam gắn liền với những bước tiến quan trọng trong phong trào cách mạng và cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Được coi là ngày hội lớn của giai cấp công nhân quốc tế, ngày 1/5 đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết và ý chí đấu tranh mạnh mẽ ở Việt Nam.
Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên ở Việt Nam diễn ra năm nào?
Ngay từ thập niên 20 của thế kỷ 20, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam thông qua các tác phẩm của mình, giúp công nhân lao động hiểu sâu hơn về phong trào cộng sản và công đoàn trên toàn cầu. Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã sớm gắn liền với những cuộc đấu tranh cách mạng trong nước, qua đó tạo nên sức mạnh liên kết giữa chủ nghĩa quốc tế vô sản và chủ nghĩa yêu nước.
Sự kiện nổi bật đầu tiên diễn ra vào ngày 1/5/1925 khi công nhân ở Chợ Lớn, Đường sắt Dĩ An và Đà Nẵng biểu tình bày tỏ sự ủng hộ với Liên bang Xô viết. Đến tháng 8 năm đó, công nhân Nhà máy đóng tàu Ba Son ở Sài Gòn đã bãi công để đòi tăng lương và thể hiện tinh thần đoàn kết với phong trào đấu tranh của công nhân Thượng Hải, Trung Quốc.
Những cuộc đấu tranh này đã đánh dấu bước chuyển mình của phong trào công nhân Việt Nam từ tự phát sang tự giác.
Cao trào cách mạng từ năm 1930 đến 1931 làm nổi bật hơn nữa ý nghĩa của ngày 1/5 đối với công nhân Việt Nam. Ngày 1/5/1930, nhiều nơi trên khắp đất nước, từ Bắc đến Nam, treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh và tuần hành thị uy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Công hội đỏ, hàng nghìn công nhân và nông dân trên cả nước đã tổ chức các cuộc mít tinh và tuần hành, thể hiện tình đoàn kết với giai cấp công nhân quốc tế và đấu tranh cho quyền lợi thiết thực của mình.
Từ năm 1936 đến 1939, các cuộc cách mạng diễn ra sôi nổi với sự tổ chức công khai ngày Quốc tế Lao động. Đặc biệt, cuộc mít tinh vào ngày 1/5/1938 tại trường Đấu xảo Hà Nội, quy tụ hơn 25.000 người từ 25 đoàn thể khác nhau, thể hiện sức mạnh của nhân dân lao động trong công cuộc đấu tranh dân chủ.
Sau khi giành lại độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 22c.NV.CC vào ngày 18/2/1946 coi ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia. Sắc lệnh số 56 của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ký vào ngày 29/4/1946 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5.
Ngày 1/5/1946 đánh dấu lần đầu tiên người dân Việt Nam kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động trong hòa bình và tự do. 20 vạn người đã tham gia mít tinh tại Hà Nội, lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi, nhấn mạnh ý nghĩa đoàn kết và xây dựng đất nước.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1/5 là một ngày Tết chung cho lao động cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1/5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng, ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

Trong hàng chục năm đổi mới, cùng với sự phát triển của quốc gia, giai cấp công nhân đã có những bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Họ đã nhanh chóng tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến, từng bước làm chủ công nghệ và kỹ thuật cao, tiếp tục đóng góp mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày Quốc tế Lao động 1/5 không chỉ là một ngày lễ trọng đại mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, ý chí và nghị lực phi thường của người lao động Việt Nam trong hành trình xây dựng một đất nước phát triển và thịnh vượng.
Năm 2025, ngày Quốc tế Lao động rơi vào thứ Năm, nằm trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Người lao động Việt Nam được nghỉ liên tục 5 ngày, từ ngày 30/4 đến hết ngày 4/5. Để đảm bảo số ngày làm việc trong tuần, người lao động sẽ làm bù vào ngày 26/4.
Ý kiến ()