Rừng Quảng Ninh sẽ xanh trở lại
Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Quảng Ninh đầu tháng 9 vừa qua đã tàn phá trên 133.000ha rừng. Ngay sau khi bão tan, các chủ rừng là hộ gia đình, doanh nghiệp lâm nghiệp, ban quản lý rừng và cơ quan chức năng, cũng như toàn thể hệ thống chính trị trong tỉnh đã khẩn trương vào cuộc khắc phục hậu quả do bão gây ra, phục hồi sản xuất lâm nghiệp, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là trồng lại rừng.
Quyết tâm là rất cao, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay nhiệm vụ trồng, phủ lại màu xanh cho rừng không hề đơn giản. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Duy Văn (ảnh), Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, phụ trách lĩnh vực nông nghiệp về vấn đề này.
- Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi chứng kiến những cánh rừng bị đổ gãy do sự tàn phá của cơn bão số 3?
+ Đau xót, đó là cảm giác của một người gắn bó với ngành lâm nghiệp như tôi. Hơn 133.000ha rừng bị gãy đổ là công sức của nhiều năm lao động, chăm sóc, bảo vệ bởi các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Không còn rừng, người dân không có thu nhập; các công ty lâm nghiệp không có nguồn lực để tái trồng rừng vụ tiếp theo, cũng như để trả lương, đóng BHXH cho người lao động; các doanh nghiệp chế biến lâm sản thiếu nguyên liệu sản xuất trong thời gian tới.
Hậu quả cơn bão số 3 đối với rừng không chỉ gây hệ lụy về kinh tế, mà còn tác động trục tiếp đến an sinh đối với các đối tượng sinh sống bằng nghề rừng, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, nguồn nước, cảnh quan; nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn.
- Theo ông, khối lượng công việc cần làm để có thể phục hồi lại rừng lớn đến mức nào?
+ Khối lượng công việc cần làm để khác phục hậu quả do bão số 3 là rất lớn, không thể trong thời gian ngắn là giải quyết được, mà phải rất lâu dài. Tuy nhiên, trước mắt cần ưu tiên xây dựng đường băng cản lửa tại các phân vùng phòng ngừa nguy cơ cháy rừng lan trên diện tích rộng, khó kiểm soát; ngoài ra cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ rừng là tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân về công tác PCCCR, tự giác dọn dẹp, thu dọn rừng, đường băng cản lửa, xử lý thực bì bảo đảm điều kiện an toàn về PCCCR, tránh để cháy rừng tràn lan, thụ động... Song song với đó là giải quyết những khó khăn của người trồng rừng, hỗ trợ người trồng rừng trồng lại rừng thông qua việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Về lâu dài cần khẩn trương lập, triển khai đề án khôi phục, tái thiết và phát triển lâm nghiệp bền vững sau bão số 3 đến năm 2030 tích hợp vào đề án tái khôi phục, tái thiết nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh sau bão.
- Xin ông cho biết về những thuận lợi, cũng như khó khăn trong công tác phục hồi rừng ở Quảng Ninh?
+ Về thuận lợi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác khắc phục hậu quả, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân trồng rừng. Tỉnh đã phát động đợt cao điểm huy động các lực lượng, phương tiện (LLVT, kiểm lâm, thanh niên xung kích…) theo phương châm "4 tại chỗ" để ra quân chiến dịch "30 ngày đêm ra quân hỗ trợ cho chủ rừng thu dọn vệ sinh rừng"; dọn dẹp đảm bảo lưu thông tuyến đường sản xuất, vận chuyển lâm sản.
Các đơn vị chức năng, các địa phương đã thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại, triển khai ngay các cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP (ngày 9/1/2017) của Chính phủ. Các ngân hàng triển khai thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng cho các công ty và hộ nhận khoán được xử lý rủi ro (cơ cấu lại thời gian trả nợ, khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ lãi); cho các chủ rừng bị thiệt hại vay vốn với lãi xuất ưu đãi để tái đầu tư, khôi phục, sản xuất, kinh doanh. Các ngành thuế, BHXH, cảng vụ… chủ động tạo điều kiện tối đa hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, chủ rừng khắc phục khó khăn, tiêu thụ, xuất khẩu lâm sản bị thiệt hại.
Các công ty TNHH MTV lâm nghiệp hoàn thiện hồ sơ kiểm tra, xác minh thiệt hại, đặc biệt là diện tích rừng trồng từ nguồn vốn NSNN và vốn trồng rừng thay thế; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, trình tự khoanh nợ theo quy định; chủ động nguồn giống phục vụ công tác triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2025. Các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu dăm gỗ đẩy mạnh việc thu mua, chế biến, tiêu thụ gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh; thực hiện công khai, minh bạch để các chủ rừng biết về mức giá thu mua sản phẩm gỗ với các tiêu chí kèm theo trên tinh thần chung tay chia sẻ thiệt hại và hỗ trợ mức tối đa để người dân giảm bớt khó khăn, sớm khôi phục sản xuất lâm nghiệp; chủ động phối hợp với đối tác mua dăm gỗ, đơn vị quản lý cảng và các điều kiện cần thiết khác để nâng cao năng lực thu mua gỗ...
Quảng Ninh cũng áp dụng các chính sách hỗ trợ hiện có tại Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND (ngày 10/7/2024) của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững; Nghị định 58/2024/NĐ-CP (ngày 24/5/2024) của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; vốn trồng rừng thay thế từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng.
Tuy nhiên, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP n(gày 9/1/2017) của Chính phủ hiện đã không phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, đối tượng áp dụng chưa bao phủ được hết các chủ rừng bị thiệt hại, mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đối với diện tích bị thiệt hại 30-70% và 4 triệu đồng/ha đối với diện tích bị thiệt hại trên 70% đã không phù hợp với các quy định hiện hành có liên quan.
Hiện Trung ương chưa có quy định, hướng dẫn về thanh lý rừng trồng vốn NSNN và vốn trồng rừng thay thế. Theo quy định, diện tích rừng này phải giữ nguyên hiện trạng thiệt hại, trong khi đây là nguy cơ xảy ra cháy rừng trên diện rộng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đồng thời sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Cùng với đó, việc nợ tín dụng, bảo hiểm, thuế, vay vốn tái sản xuất kinh doanh của các chủ rừng cũng gặp nhiều khó khăn.
- Với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, Sở NN&PTNT đã có giải pháp gì để giải quyết những khó khăn nêu trên, thưa ông?
+ Quảng Ninh đang khẩn trương lập, triển khai đề án khôi phục, tái thiết và phát triển lâm nghiệp bền vững sau bão số 3 đến năm 2030. Trong đó có tính đến việc cơ cấu lại loài cây trồng lâm nghiệp, ưu tiên trồng các loài cây gỗ lớn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển mang tính lâu dài, bền vững; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thu hút đầu tư các nguồn lực từ các quỹ, dự án phù hợp để tạo nguồn lực tái thiết rừng. Tỉnh cũng đang triển khai chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn theo Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và các chính sách theo Nghị định số 58/2024/NĐ-CP của Chính phủ hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, đây là một giải pháp thiết thực.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh, báo cáo, đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai quy định về thanh lý rừng; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 (bổ sung đối tượng và nâng mức hỗ trợ). Sở NN&PTNT cũng khuyến khích chủ rừng lựa chọn các loài cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế cao, kết hợp với trồng lại rừng bằng các loài cây bản địa, cây gỗ lớn, lấy ngắn nuôi dài, hạn chế tối đa rủi ro do thiên tai… nâng cao giá trị của rừng trên một đơn vị diện tích trồng.
Ngoài ra, Quảng Ninh cần tính đến việc thu hút đầu tư khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nghiên cứu, ứng dụng phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, công nghệ mới, giống cây lâm nghiệp, cơ giới hóa trong trồng rừng, chăm sóc và khai thác rừng, chế biến lâm sản và sản xuất các sản phẩm phụ trợ ngành chế biến gỗ và lâm sản.
Với những giải pháp nói trên, cùng với sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp trồng rừng, chắc chắn rừng Quảng Ninh sẽ phục hồi và xanh trở lại.
- Xin cảm ơn ông!
Ý kiến ()