Rồi ai sẽ lo cho nông dân nghèo?
Ông nói: "Mặc dù gọi là vựa lúa của cả nước, nhưng phần lớn nông dân đồng bằng sông Cửu Long còn quá nghèo. Cũng vì nghèo nên một số chị em đã phải trân mình ra xếp hàng để cho ngoại nhân ngắm nghía như là mua một món hàng giữa chợ. Xin hãy xem đó là một nỗi đau!".
Vị giám đốc trên cho biết hơn 20 năm làm ở Ngân hàng NN-PTNT ông đã thấy rất rõ điều đó. Chính vì thu nhập từ lao động nông nghiệp không bảo đảm cho người nông dân khá lên nên mấy năm gần đây đại bộ phận thanh niên nông thôn tìm cách bỏ quê về các thành phố lớn. Thế nhưng tại đây họ làm những nghề có thu nhập rất thấp, chủ yếu là lao động chân tay và bỏ rất nhiều sức ra để đổi lấy đồng tiền ít ỏi. Trong đó, có nhiều nữ thanh niên. Cuộc sống khó khăn nên khi các "cò" môi giới hôn nhân xuất hiện thì một số chị em sẵn sàng lấy chồng ngoại với hy vọng cuộc sống sẽ thay đổi.
Trước tình hình đó, theo ông, nếu hệ thống Ngân hàng NN-PTNT được cổ phần hóa vào năm 2008 thì sẽ càng bất lợi cho nông dân. Tại sao? Ông giải thích: Có khoảng 85% hộ nông dân vay vốn từ Ngân hàng NN-PTNT, cho dù với lãi suất kinh doanh nhưng chấp nhận được. Khi Ngân hàng NN-PTNT chuyển sang cổ phần hóa thì mục tiêu kinh doanh phải thay đổi, chẳng hạn như lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh phải đặt lên hàng đầu. Đến lúc đó, nông dân sẽ không còn chỗ để bám. Nhưng tới thời điểm này, ông cho biết chưa nghe chủ trương sẽ giao cho tổ chức nào thay thế Ngân hàng NN-PTNT để tiếp tục giúp nông dân?
Cũng theo vị giám đốc trên, mặc dù lâu nay hệ thống Ngân hàng NN-PTNT cho vay với lãi suất kinh doanh, nhưng trên thực tế vẫn có chính sách ưu ái cho hộ nông dân nghèo. Khi đáo hạn, nếu chưa có tiền trả thì nông dân được điều chỉnh kỳ hạn nợ hoặc gia hạn nợ. Tất nhiên cổ phần hóa hệ thống ngân hàng nhằm thích nghi với nền kinh tế thị trường, nhưng theo ông thì phải có lộ trình, để giúp cho người nông dân đứng được. Nếu không có một tổ chức nào khác thay thế vai trò của Ngân hàng NN-PTNT, sẽ là tai họa khi một bộ phận nông dân nghèo bị bỏ rơi. Vị giám đốc trên nêu ví dụ trường hợp của Thái Lan, hiện chính phủ vẫn còn "bao cấp" cho nông dân thông qua hệ thống ngân hàng nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp, để cho người nông dân còn có chỗ dựa.
Ý kiến ()