Quyết tâm, nỗ lực ngay từ đầu năm
Trong các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 nhiều lần đề cập đến từ “khẩn trương”. Bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, bước vào năm 2023, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã khẩn trương bắt tay ngay thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, tận dụng thời gian và cơ hội cụ thể hoá nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Động lực tiếp tục chinh phục mục tiêu mới
Dù trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, biến động, tình hình dịch Covid-19 có lúc diễn biến phức tạp, nhưng với quyết tâm duy trì thành quả chống dịch, năm 2022 tỉnh Quảng Ninh vẫn kiên định các mục tiêu, nhiệm vụ, giữ vững địa bàn an toàn, phục hồi nhanh, bền vững nền kinh tế. Kết quả KT-XH tỉnh Quảng Ninh đạt được với những con số đáng tự hào. Tỉnh hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu phát triển KT-XH, giữ vững đà tăng trưởng trên 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022); thu ngân sách nhà nước đứng tốp đầu cả nước.
Đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đồng thời hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu hiện đại, văn minh gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân, cư dân nông thôn và hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Diện mạo, cảnh quan ở các địa phương thay đổi từng ngày. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện…
Bước sang năm 2023, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn vững vàng tâm thế tiến bước. Để khẩn trương cụ thể hoá mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 122/CT-UBND (ngày 19/1/2023) thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 6/1/2023) của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH; Dự toán NSNN và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 28/11/2022) của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 128/NQ-HĐND (ngày 9/12/2022) của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 và Kế hoạch số 07/KH-UBND (ngày 13/1/2023) về Kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023, trong đó tỉnh phấn đấu hoàn thành các mục tiêu ở mức cao nhất.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bám sát chỉ thị của Chính phủ và của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã khẩn trương trở lại guồng làm việc với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương. CBCCVC thực hiện tốt lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính, không để công việc bị gián đoạn, nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, các ngành kinh tế, nhất là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh đã nhanh chóng vào guồng sản xuất từ rất sớm. Điển hình ghi mốc quan trọng đó là ngày đầu tiên năm Quý Mão (mùng 1 Tết), TKV đã rót trên 41.000 tấn than cho tàu “xông cảng” đầu năm.
Ngay từ mùng 3 Tết, nhiều đơn vị sản xuất than lộ thiên và hầm lò trong tỉnh đã trở lại sản xuất, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh sản lượng than cung cấp cho tiêu thụ; nêu cao kỷ luật nhằm đảm bảo an toàn lao động với quyết tâm cùng Tập đoàn phấn đấu năm 2023 sản xuất gần 40 triệu tấn than; than tiêu thụ 46,5 triệu tấn; doanh thu 168.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2022…
Cùng với đó, khối công nghiệp, xây dựng, ngành nông nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ cũng khẩn trương vào việc. Tại các cửa khẩu, lối mở, lực lượng chức năng khẩn trương làm thủ tục thông quan hàng hóa cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu được nhanh chóng, thuận tiện… Đây là tín hiệu vui từ du lịch, tạo khí thế sôi nổi cho một năm mới thành công. Tất cả các ngành, lĩnh vực đều trở lại guồng lao động, sản xuất với khí thế sôi nổi, phấn đấu đạt những thành quả ngay những ngày đầu của năm mới…
Khởi sắc tháng đầu năm
Bám sát chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục cụ thể hóa quan điểm cốt lõi của Đảng về chính sách xã hội là “Vì con người, lấy con người là trung tâm”. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh nêu cao quyết tâm tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý dược phẩm, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh mới.
Trong các kế hoạch, chương trình hành động, tỉnh đều lồng ghép chỉ đạo, đưa ra những mục tiêu mới và phấn đấu triển khai có hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao tính bền vững của nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành Than. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược.
Tỉnh kiên trì phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội, nhất là thông qua hình thức đối tác công - tư để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược... Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng KHCN, thúc đẩy chuyển đổi số; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội…
Cụ thể hoá chủ đề công tác năm, ngay trong tháng 1/2023, tỉnh đã làm việc với nhiều nhà đầu tư, như: Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SPF) để trao đổi nội dung phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Singapore lần thứ 7 tại Quảng Ninh; tham dự buổi gặp gỡ với 60 doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc); trao đổi làm việc với nhà đầu tư Hàn Quốc, Công ty Mastern Investment Management (Hàn Quốc),… Trong tháng 1/2023, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh đạt 4.773,5 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm 2022, trong đó điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 1 dự án FDI với số vốn là 194 triệu USD; điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 1 dự án trong nước với số vốn là 117,5 tỷ đồng.
Kinh tế phục hồi, công tác phát triển doanh nghiệp được củng cố. Ngay trong tháng đầu tiên của năm mới, Quảng Ninh có 151 đơn vị thành lập mới, hiện đứng thứ 4 vùng đồng bằng Sông Hồng, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố có số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11% so với cùng kỳ 2022; số lao động được giải quyết tại các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 470 người; có 240 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cũng trong tháng đầu năm 2023, du lịch Quảng Ninh gặt hái nhiều kết quả khởi sắc. Với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn cùng việc quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông đã tạo thuận tiện cho du lịch của Quảng Ninh phát triển mạnh. Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh trong tháng 1/2023 ước đạt 1,6 triệu lượt người, gấp 12,3 lần so với cùng kỳ 2022, bằng 35,16% kịch bản tăng trưởng, trong đó khách quốc tế đạt 90.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch của tỉnh đạt 3.520 tỷ đồng, gấp 15,4 lần cùng kỳ năm 2022, bằng 40,24% kịch bản tăng trưởng quý I/2023.
Công tác an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân được tỉnh dành nhiều quan tâm. Tỉnh đã dành nguồn lực lớn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh huy động được nhiều tổ chức hội, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tặng quà cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh, qua đó đã góp phần động viên tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Từ trước Tết Nguyên đán 2023, tỉnh đã hướng dẫn tặng quà của Chủ tịch nước, của tỉnh cho đối tượng người có công với cách mạng, các đối tượng cần thiết khác nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão với 354.539 suất quà, tổng số tiền là trên 191 tỷ đồng. Đồng thời, quan tâm giải quyết kịp thời chính sách cho 155 đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân theo quy định; triển khai các hoạt động chúc mừng thọ người cao tuổi, trợ cấp tết cho các đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo... Tỉnh cũng giới thiệu việc làm trong nước cho 58 lượt lao động, 8 người dân tộc thiểu số; giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng cho 322 lao động…
Năm 2023 - năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV cũng như thực hiện chủ đề công tác của tỉnh là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023) Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển KT-XH năm 2023 và những năm tiếp theo.
Ý kiến ()