
Quy định chặt chẽ sử dụng vốn nhàn rỗi và các khoản đầu tư vào tổ chức tín dụng
Nghị định số 210/2025/NĐ-CP mở rộng một số điều kiện như quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về việc sử dụng vốn nhàn rỗi và các khoản đầu tư vào tổ chức tín dụng.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoặc vừa theo quy định của pháp luật (về vốn, doanh thu và lao động).
Đặc biệt là doanh nghiệp mới thành lập, đang trong giai đoạn khởi nghiệp. Hoạt động dựa trên ý tưởng kinh doanh mới, có tính đổi mới, sáng tạo, thường sử dụng công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh mới.
Có tiềm năng tăng trưởng nhanh, tạo đột phá trong ngành nghề hoạt động.
Thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo thường có xu hướng áp dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, giúp kích thích đổi mới trong toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh. Họ đóng vai trò là cầu nối giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, đặc biệt trong các lĩnh vực như AI, Fintech, nông nghiệp công nghệ cao…
Mới đây Chính phủ ban hành Nghị định số 210/2025/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Nghị định mới sửa đổi Điều 5 Nghị định số 38/2018/NĐ-CP về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo hướng mở rộng một số điều kiện.
Theo đó, loại tài sản góp vốn (bổ sung góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật) và các hình thức đầu tư (công cụ chuyển đổi, quyền mua cổ phần); đồng thời, quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn về việc sử dụng vốn nhàn rỗi và các khoản đầu tư vào tổ chức tín dụng.
Nghị định số 210/2025/NĐ-CP nêu rõ quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, có từ 02 đến tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ. Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác.
Tài sản góp vốn có thể bằng Đồng Việt Nam, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật và các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Nghị định cũng nêu rõ quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được sử dụng vốn nhàn rỗi từ vốn góp của các nhà đầu tư để gửi tiền có kỳ hạn hoặc mua chứng chỉ tiền gửi tại các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật nhưng phải đảm bảo an toàn vốn.
Công ty quản lý quỹ chỉ được gửi tiền và mua chứng chỉ tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đã được Ban đại diện quỹ phê duyệt.
Toàn bộ số vốn góp và tài sản của các nhà đầu tư tại quỹ phải được hạch toán độc lập với nguồn vốn và tài sản của công ty thực hiện quản lý quỹ.
Các nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ tự thỏa thuận về thẩm quyền quyết định danh mục hoạt động đầu tư và nội dung này phải được quy định tại Điều lệ quỹ và hợp đồng với công ty thực hiện quản lý quỹ (nếu có).
Ngoài ra, Nghị định số 210 cũng sửa đổi Điều 15 Nghị định số 38/2018/NĐ-CP về trình tự thông báo giải thể quỹ.
Trong đó bổ sung về hình thức gửi hồ sơ trực tuyến và quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin định kỳ cho nhà đầu tư và cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh để theo dõi, giám sát trong suốt quá trình giải thể, thanh lý tài sản.
Nghị định 210/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15.9.2025.
Ý kiến ()