
Người tiên phong đưa giống cây “quý tộc” về Bình Liêu
Ít ai biết rằng, giữa vùng sơn cước Bình Liêu vốn có thời tiết khắc nghiệt với nắng nóng, sương muối của miền biên viễn, lại có vườn nho sữa Hàn Quốc trị giá cả tỷ đồng. Đó là câu chuyện về đôi vợ chồng thợ mỏ đánh cược với đất khó, nắng gió và sương mù để gieo giấc mơ tiên phong trồng giống nho quý tộc vốn rất khó tính của xứ ôn đới.
“Đánh liều” cả gia tài
Giữa tháng Bảy, tôi rời cái nắng bỏng rát của thành phố, rong ruổi qua những cung đường đồi núi xanh ngắt để về thôn Pặc Pùng, xã Bình Liêu, vùng đất biên viễn trập trùng những cánh rừng hồi, ruộng bậc thang.
Có lẽ ở nơi đây, người dân còn chưa từng nghe đến giống “nho sữa Hàn Quốc” vốn nổi tiếng là thứ cây “con nhà giàu”, chỉ trồng ở nơi khí hậu mát lành, đất đai được cải tạo kỹ càng, công chăm sóc khắt khe từng giờ từng ngày. Ấy vậy mà nơi này lại đang có một vườn nho như thế, xanh rì, thẳng tắp dưới mái nhà màng.

Chủ nhân là chị Trần Thị Vân và anh Hà Văn Kiều, người thợ mỏ “chính hiệu” ở Mông Dương. Từng quen với nhịp sống ca kíp, gắn đời mình với tầng than sâu, ít ai nghĩ rằng một ngày họ lại thành “nhà nông công nghệ cao” trên chính mảnh đất quê hương.
Tới căn nhà khang trang kề bên, chị Vân vui vẻ dẫn tôi đi thăm khu vườn rộng, quy củ, thẳng tắp những khu nhà màng. "Đầu năm 2024, bọn em định về trồng rau sạch trên khu đất rộng của gia đình theo mô hình nổi tiếng ở Hà Nội. Nhưng rồi chồng em tình cờ thấy video trên YouTube về mô hình nho Hàn Quốc, được mệnh danh là "nho quý tộc" ở Vĩnh Phúc (nay là Phú Thọ), mê luôn. Cả tuần sau đó cứ tối là thấy anh ấy ngồi xem, tua đi tua lại đoạn người ta hướng dẫn kỹ thuật trồng, tỉa cành, bọc quả, làm nhà màng…”. Chị Vân cười, kể lại khoảnh khắc thay đổi cả hướng đi của gia đình.
Không chỉ xem cho vui, anh Kiều quyết định đánh liều bắt xe lên Vĩnh Phúc, tận mục sở thị, ăn ngủ ở vườn nho để tìm hiểu, “học lỏm” kinh nghiệm thực tế. Anh kể: “Lúc thấy tận mắt vườn nho sai trĩu, quả bóng căng, thơm ngon, giá bán cả triệu một chùm mà khách vẫn đặt hàng nườm nượp, tôi "kết" luôn. Thế là chốt hạ, mua giống!”.
Chẳng do dự, anh gọi điện về cho vợ, đặt cọc 10 triệu đồng ngay tại chỗ, mua liền 200 gốc giống. “Tôi thấy vườn của họ còn nằm ở vùng trũng, đất pha bùn, phải đào rãnh, lót bạt chống úng. Đất nhà mình trên cao, tơi, giàu dinh dưỡng thì có lý do gì không làm được?” - anh Kiều chia sẻ về quyết định “liều mà có tính toán” của mình.
Ngay sau khi đầu tư 80 triệu đồng mua giống, vợ chồng anh Kiều, chị Vân tự bắt tay dựng nhà màng, lắp giàn, kéo ống tưới… mà không thuê thợ để tiết kiệm chi phí. Dù vậy, tổng chi phí vẫn ngốn gần 500 triệu đồng, gồm 300 triệu tích cóp và 200 triệu vay ngân hàng. Tiền lương công nhân mỏ, mỗi tháng chỉ dám tiêu nửa, phần còn lại dồn hết cho vườn nho. “Có tháng chi tiêu dè xẻn để còn tiền mua phân hữu cơ, mua túi bọc quả, sắt thép làm giàn... Mỗi cây sắt, mỗi cuộn nilon đều được tính toán kỹ từng đồng" - chị Vân tiếp.

Thế nhưng, nho vừa xuống giống, trời đổ mưa dầm hai tuần liên tiếp khi chưa kịp dựng xong mái che, chưa có hệ thống thoát nước. Sau mưa, cả vườn cây mới bén rễ bị ngập, lá dần vàng, héo rũ, co lại... như sắp chết, làm chị Vân đứng ngồi không yên. “Tôi nhớ như in cảm giác lúc đó, đứng giữa vườn nhìn cây quăn queo, lá đổ, đất nhão. Đêm cũng mất ngủ, cứ nghĩ: Hay mình sai lầm thật rồi?” - chị Vân kể không giấu được xúc động.
Còn anh Kiều, làm ở mỏ cách nhà cả trăm cây số, biết vậy cũng về nhà thường xuyên: "Vườn yếu hẳn so với kỹ thuật họ dạy. Nhìn các vườn khác, sau 2 tháng cây đã vươn cành cấp 1-2 xanh mướt, còn vườn mình thì chưa ra nổi cành nào, èo uột như cây cỏ dại. Vậy là 2 vợ chồng quyết cứu cây" - anh Kiều thuật lại.
Không chấp nhận bỏ cuộc, hai vợ chồng lội ra vườn, rải vôi sát khuẩn, xới tơi đất, cắt bỏ lá hỏng, phun thuốc phòng nấm... Đêm đến vẫn ra soi đèn pin theo dõi cây. Anh chị tự làm, không thuê người bởi “người ngoài không hiểu kỹ thuật, làm sai một chút là hỏng cả vườn”. Thế rồi, từ cái nền đất bị ngập úng, những mầm nho non vẫn vươn lên, chậm hơn đến gần 2 tháng, nhưng khỏe khoắn và dẻo dai hơn. “Những tưởng cả gia tài, ước mơ của mình bị tan biến. Cảm giác vườn cây như hiểu được tình cảm của mình nên hồi sinh sống lại, sống khỏe, tim mình như ấm lại…” - chị Vân bày tỏ.

Cây nho như chị Vân nói đúng là “quý tộc”: Chăm từng giờ, tỉa từng lá, bọc từng chùm quả. Nhưng nó cũng “tình cảm” nếu mình đủ kiên nhẫn, đủ tận tâm, cây sẽ không phụ công mình.
Nỗi niềm phía sau chùm nho ngọt
Mùa đầu tiên năm 2024, cây còn nhỏ, sản lượng chưa nhiều. Nhưng quả bói đã đủ khiến đôi vợ chồng “không kịp trở tay”. Mở vườn vài ngày là khách đến tham quan, cắt mua gần hết. Có người đi muộn không còn quả đẹp cũng tiếc nuối hỏi mãi” - anh Kiều kể.
Chỉ trong vụ đầu, sản lượng đạt 500kg, thu về khoảng 100 triệu đồng. Giá bán dao động từ 150.000-250.000 đồng/kg, chia làm ba loại tuỳ chất lượng. Nhiều chùm nho đạt trọng lượng tới 5-6 lạng, to, mọng, chín đều, ăn giòn và thơm. Bước vào vụ thứ 2 này, kinh nghiệm chăm sóc của anh chị cũng được bổ sung nhưng còn không ít nguy cơ.

Số là bởi nho sữa quen với thời tiết của xứ lạnh trong khi nước ta nóng ẩm, nhiệt độ cao, khiến phát sinh rất nhiều sâu bệnh... "Gia đình giữ tán lá tỏa sang hai bên để che nắng, giữ mát, tránh quả bị cháy hay vàng. Nhưng lá nhiều dễ giữ ẩm, sinh bệnh nên phải theo dõi sát. Mái chia làm 5 luống, hạn chế mưa tràn xuống rãnh gây nứt quả, úng rễ. Chủ yếu dùng thuốc sinh học, nhiều lúc phải cắt lá, lau tay từng quả để giữ sạch. Chăm nho chẳng khác gì chăm con nhỏ" - chị Vân chia sẻ.
Chăm sóc nho đòi hỏi kỹ thuật cao, đặc biệt là tỉa quả - khâu quyết định hình dáng, độ ngọt và chất lượng chùm. Năm đầu thuê người tỉa sai kỹ thuật khiến nhiều chùm bị dày, thối. Vì thế, sau này gia đình chị cũng tự làm, giữ tán lá che mát cho quả, hạn chế cháy nắng, nhưng vẫn phải kiểm soát độ ẩm để tránh bệnh.
Vì thế, sang vụ nho năm nay, sản lượng dự kiến tăng gấp 3-4 lần, vườn sẽ cho 2 tấn nho, mức thu hoạch vượt ngoài mong đợi. Thế nhưng điều khiến anh chị vui nhất không phải tiền. “Khách đến vườn tham quan, thích thú. Có người không mua được nho vẫn xin vào chụp ảnh, ngắm nghía vườn cây. Họ bảo: Không nghĩ trên vùng núi lại có vườn nho đẹp thế này. Đó là động lực để chúng tôi làm tiếp” - chị Vân vui vẻ kể lại.

Cũng từ đây, giấc mơ nho sơn cước bắt đầu mở rộng. Anh chị mạnh dạn đầu tư thêm 1 vườn mới, 400 cây trên diện tích 5.000m². Tổng mức đầu tư đã lên tới gần 1 tỷ đồng. Vườn mới được trồng thưa, cao hơn, thiết kế thêm điểm check-in đón khách đẹp hơn. Họ cũng tính tới việc đăng ký sản phẩm OCOP, VietGAP, đưa sản phẩm vào siêu thị, làm thêm sản phẩm nho sấy để tránh tình trạng nho tươi bão hoà trong vài năm tới.
Tuy nhiên, con đường phía trước không chỉ có trái ngọt. Anh Kiều băn khoăn: “Muốn ký hợp đồng bao tiêu, đưa nho vào chuỗi siêu thị, họ yêu cầu diện tích phải trên 2ha, có đủ giấy tờ, chứng nhận trong khi gia đình mới có 2.000m². Đó là thách thức lớn”.
Mùa nho này, vườn sẽ đón khách tham quan, trải nghiệm hái nho từ đầu tháng 8. Xa hơn, gia đình muốn hướng tới phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp. Nhưng tất cả vẫn còn dang dở vì thiếu vốn: “Chúng tôi ước có thêm kho lạnh, để nho sau thu hoạch bảo quản được 2-3 tháng như cách họ làm bên Hàn”.

Rời Pặc Pùng khi nắng chiều rải bạc lên mái nhà màng, tôi vẫn nhớ hình ảnh chủ vườn nho lúi húi tỉa lá, vun gốc nho. Họ chẳng gọi mình là nông dân mà như nghệ nhân cần mẫn bên cây quý tộc giữa non cao. Họ gieo mầm bằng niềm tin, chăm vườn bằng yêu thương và nuôi một giấc mơ chung bằng mồ hôi. Vị ngọt của nho có lẽ không chỉ đến từ trái chín mà từ cả hành trình hy vọng nảy mầm nơi vùng đất biên cương.
Ý kiến ()