
Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2025) Khắc ghi công ơn, vun đắp truyền thống
Quảng Ninh luôn xác định phát triển KT-XH phải gắn liền với giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình có công với cách mạng. Tỉnh đặt mục tiêu tất cả gia đình chính sách đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú. Với quyết tâm chính trị cao, cách làm bài bản, minh bạch, Quảng Ninh tiếp tục để lại dấu ấn trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo nền tảng vững chắc cho hành trình xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.
Nghĩa tình tháng Bảy
Những ngày này, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh luôn rộn ràng không khí hội ngộ ấm áp. Từng góc sân, hiên nhà đều đầy ắp tiếng cười nói của các thương, bệnh binh khi được trở lại Trung tâm, hưởng chế độ điều dưỡng, gặp gỡ đồng chí, đồng đội, cùng nhau ôn lại những câu chuyện một thời chiến đấu gian khổ nhưng đầy lạc quan, tự hào nơi chiến trường ác liệt. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh đã tổ chức 10 đợt điều dưỡng cho 1.569 người có công trên địa bàn tỉnh, tất cả đều được đảm bảo đầy đủ theo các chính sách của Nhà nước và tỉnh.

Ông Bùi Văn Bình, thương binh hạng 1/4 (phường Hạ Long), phấn khởi chia sẻ: Mỗi năm, tôi đều được về điều dưỡng tại Trung tâm theo chế độ. Đến đây, chúng tôi được chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ đến sức khỏe, tất cả đều do đội ngũ cán bộ, nhân viên tận tình quan tâm. Điều quý giá nhất là được gặp lại đồng đội, cùng trò chuyện, ôn kỷ niệm, khiến tôi như được sống lại những ngày tuổi trẻ sục sôi ý chí, quyết tâm vượt mọi gian khổ, bom đạn. Ngoài ra, Trung tâm còn có sân thể thao, khu vui chơi, đánh cờ… giúp mọi người rèn luyện sức khỏe, giải trí và giao lưu trong không khí thoải mái, gần gũi như một gia đình lớn.
Không riêng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh, trong những ngày tháng 7, đi đến địa phương nào đều có thể thấy được những hoạt động, nghĩa cử cao đẹp, cử chỉ ấm áp, nghĩa tình hướng về tri ân những người có công.
Đó là hoạt động ra quân tu sửa, chỉnh trang, vệ sinh các bia, đài tưởng niệm, các công trình ghi công, phần mộ, đền thờ liệt sĩ... Đó là những chuyến thăm hỏi, tặng quà tại Trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh hay trong những ngôi nhà của thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng đầy nồng ấm, thân tình thể hiện sự quan tâm chu đáo của lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành đối với người có công với cách mạng. Đó là những màu áo xanh quân đội, áo blouse trắng thực hiện khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, các thương, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn...

Viết tiếp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tuổi trẻ toàn tỉnh cũng hăng hái tổ chức các hoạt động hướng về người có công với cách mạng với những việc làm thiết thực, ý nghĩa như: Thắp nến tri ân; thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách; sơn sửa, chỉnh trang Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ; cùng nấu cơm, ăn cơm thân mật với các gia đình người có công. Các chương trình “Hành trình về nguồn”, nói chuyện truyền thống, giao lưu với các thương binh, cựu chiến binh cũng được tăng cường tổ chức nhằm giáo dục lịch sử, gắn kết các thế hệ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Ngoài ra, trong dịp này, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, nhà hảo tâm trong tỉnh còn tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, đầy trách nhiệm và nghĩa tình với mong muốn chung tay, góp sức để cuộc sống của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công với cách mạng ngày càng được đầy đủ, tốt đẹp hơn.
Vẹn tròn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Quảng Ninh hiện có hơn 48.000 người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và đối tượng thờ cúng liệt sĩ. Trong đó, có trên 8.300 cán bộ lão thành, cán bộ tiền khởi nghĩa, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động cách mạng kháng chiến bị địch bắt tù đày; 1.392 người hưởng chế độ trợ cấp tuất hằng tháng; 657 con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; trên 33.000 người có công với cách mạng được thưởng huân, huy chương… Những hy sinh, cống hiến to lớn cho độc lập, tự do của Tổ quốc của người có công luôn được tỉnh tri ân sâu sắc, dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt.
Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá để nâng cao chất lượng chăm sóc đời sống người có công. Nổi bật là Nghị quyết 23/2023/NQ-HĐND và Nghị quyết 46/2024/NQ-HĐND, mở rộng hỗ trợ vượt khung so với quy định của Nhà nước đối với đối tượng thương bệnh binh, người có công, như: Nâng mức quà tặng, hỗ trợ điều dưỡng, chi phí thăm viếng di tích, BHYT cho thân nhân… Đặc biệt là Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh quy định các chính sách hỗ trợ một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn.
Theo đó, ngoài mức hỗ trợ do ngân sách Trung ương đảm bảo, tỉnh hỗ trợ thêm tiền điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ theo niên hạn điều dưỡng hằng năm và hai năm một lần, như: Điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh được nâng mức hỗ trợ tiền ăn từ 1,4 triệu đồng/người/lần lên 1,8 triệu đồng/người/lần. Người có công điều dưỡng tại nhà được hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/người/lần (trước đây là 700.000 đồng)…

Từ năm 2013-2024, toàn tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho tổng số 12.950 gia đình người có công (gồm 6.661 hộ xây mới và 6.289 hộ sửa chữa) với tổng kinh phí gần 522 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, của tỉnh, cấp huyện, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh và các nguồn xã hội hóa. Ngày 17/4/2025 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1168/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2025 nhằm kịp thời triển khai hỗ trợ cho 306 hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ có nhà ở hư hỏng, xuống cấp đủ điều kiện được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, mới đây, tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khoá XIV, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc tặng quà cho người có công với cách mạng, thân nhân người có công, người thờ cúng liệt sĩ và một số đối tượng đặc thù nhân dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2/9 (1945-2025). Đây là Nghị quyết đầy tính nhân văn được cử tri và nhân dân trên địa bàn đồng tình và đánh giá rất cao. Theo đó, hơn 31 tỷ đồng quà sẽ trao tận tay gần 16.000 người có công. Mỗi món quà không chỉ mang giá trị vật chất mà quan trọng hơn là gửi gắm thông điệp nhân văn: “Không ai bị lãng quên trong hành trình tri ân của quê hương”.
Những chính sách tri ân người có công không chỉ là sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh, mà còn là lời nhắc nhớ về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” thiêng liêng của dân tộc. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, Quảng Ninh đang lan tỏa tinh thần nghĩa tình, nhân văn, hun đúc sức mạnh đoàn kết để vững vàng trên hành trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh và hạnh phúc.
Ý kiến ()