
Quy chế dân chủ – nền tảng vững chắc cho mô hình chính quyền hai cấp
Trong những năm qua, Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực xây dựng và phát huy quy chế dân chủ, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền, đồng thời thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hiện tại, với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, việc phát huy dân chủ tiếp tục được xác định là yếu tố then chốt, mang ý nghĩa quyết định thành công.
Xác định rõ việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, tỉnh Quảng Ninh luôn tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình, gắn việc phát huy dân chủ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong đó, tỉnh đã thực hiện hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Cấp ủy các cấp đã đưa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở vào chương trình, kế hoạch của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhiều địa phương đã đưa nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở thành tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm; chỉ đạo các đơn vị đăng ký mô hình điển hình về thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2025.
Đặc biệt, cùng với các địa phương trong cả nước, từ ngày 1/7, Quảng Ninh vận hành chính quyền hai cấp. Theo đó, 54 xã, phường trên toàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức kỳ họp thứ nhất HĐND để kiện toàn nhân sự, thông qua nghị quyết tổ chức và hoạt động của UBND xã; đồng thời, thống nhất chương trình công tác toàn khóa. Đây là nền tảng pháp lý cần thiết giúp cấp xã vận hành đúng chức năng, nhiệm vụ trong mô hình mới, đồng thời khẳng định rõ vai trò và trách nhiệm của chính quyền trong việc công khai, minh bạch và lắng nghe tiếng nói của người dân.
Ngay sau khi kiện toàn bộ máy chính quyền hai cấp, toàn tỉnh đã đồng loạt triển khai các hoạt động nhằm phát huy quy chế dân chủ một cách toàn diện và đồng bộ. Trên cơ sở này, các xã, phường đã đẩy mạnh công khai thông tin về quy hoạch, dự án đầu tư, ngân sách địa phương, các khoản đóng góp của người dân… thông qua nhiều hình thức như niêm yết tại trụ sở, cổng thông tin điện tử, nhóm Zalo cộng đồng, loa phát thanh… Người dân có thể tiếp cận dễ dàng, giám sát và nêu ý kiến. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường thực hiện tiếp công dân định kỳ, lắng nghe và giải quyết kiến nghị ngay tại cơ sở. Các hình thức đối thoại như “Giao ban giữa chính quyền với trưởng thôn, bí thư chi bộ” được tổ chức định kỳ giúp tăng cường tương tác hai chiều, giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh.
Trung tâm Phục vụ hành chính công các xã, phường được đầu tư trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ và kết nối đồng bộ với hệ thống hành chính công của tỉnh. Các Trung tâm này thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính một cách công khai, minh bạch và đúng thời hạn. Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính tại cấp xã đúng hạn đạt trên 99,8%, trong đó nhiều xã có tỷ lệ hồ sơ nộp và xử lý trực tuyến đạt trên 70%. Việc áp dụng hình thức tiếp nhận hồ sơ qua Cổng dịch vụ công và trả kết quả qua bưu chính công ích giúp người dân không phải đi lại nhiều lần, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đội ngũ cán bộ trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã được đào tạo chuyên sâu, có thái độ phục vụ tận tình, chuyên nghiệp, hướng dẫn chu đáo, qua đó góp phần xây dựng hình ảnh chính quyền gần dân, vì dân. Không chỉ là nơi tiếp nhận và xử lý thủ tục, các Trung tâm Phục vụ hành chính công còn là kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, góp phần tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của chính quyền cơ sở.
Đặc biệt, chính quyền cấp xã đã phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức cho nhân dân tham gia nhiều ý kiến vào các nội dung quan trọng trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định ban hành, như: Phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; các phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư... Đại diện nhiều hộ gia đình ở các khu dân cư đã tham gia ý kiến trách nhiệm vào nhiều mô hình, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương. Qua các ý kiến tham gia của nhân dân, các chủ trương, chính sách ban hành của HĐND, UBND được cụ thể, sát hợp hơn, thuyết phục nhân dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ thực hiện.

Bên cạnh đó, việc thực hiện dân chủ trong quan hệ giải quyết công việc giữa các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước với công dân được quan tâm triển khai quyết liệt, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị tăng cường công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các mẫu hồ sơ, quy trình, thủ tục giải quyết, thời gian giải quyết, phí và lệ phí theo quy định, tiếp thu, giải quyết các ý kiến đóng góp của công dân; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC trong thực thi nhiệm vụ, xây dựng hình ảnh, tác phong, cốt cách của CBCCVC Quảng Ninh “chuyên nghiệp, kỷ cương, tận tâm, mẫu mực, năng động, sáng tạo vì người dân phục vụ”.
Ý kiến ()