
Hiệu quả tuyên truyền miệng trong đồng bào dân tộc thiểu số
Công tác tuyên truyền miệng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân, nhất là đồng bào DTTS. Công tác này không chỉ là phương thức truyền thông truyền thống hiệu quả mà còn là cầu nối tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Tại các xã vùng cao khu vực miền Đông của tỉnh, nơi sinh sống của các dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Đội tuyên truyền lưu động song ngữ được tổ chức thường xuyên. Đội hình gồm cán bộ tuyên giáo, công an, y tế và người bản địa có khả năng nói thông thạo tiếng dân tộc. Hoạt động luân phiên theo lịch cố định tại các thôn, bản, Đội tuyên truyền mang theo loa di động, tài liệu minh họa, máy chiếu, giúp bà con dễ tiếp nhận thông tin. Theo đó, nội dung được truyền tải ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung vào chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, an ninh biên giới, phòng chống tảo hôn, buôn bán người...
Chị Chìu Sám Múi (xã Lục Hồn) chia sẻ: Gia đình tôi thường xuyên phải đi làm rừng, có khi đi cả ngày mới về nhà, nên ít có điều kiện nghe truyền thanh xã hay dự họp thôn. Nhiều khi có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như cho vay vốn, hỗ trợ con đi học, cấp thẻ bảo hiểm y tế..., gia đình tôi cũng không nắm rõ. Được cán bộ xã, trưởng thôn đến tận nhà tuyên truyền, nói kỹ từng chế độ, chính sách, có sổ sách ghi rõ, nên tôi mới biết có những chính sách mới được triển khai. Cán bộ xã tới nhà còn hỏi thăm đời sống, lấy ý kiến về những chuyện trong thôn. Nhờ đó mà bà con gần gũi và tin tưởng chính quyền hơn.
Người có uy tín trong cộng đồng các DTTS được xem là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền miệng. Tỉnh thường xuyên gặp gỡ, tập huấn kỹ năng cho người uy tín trên địa bàn. Sự gần gũi, thấu hiểu văn hóa, phong tục tập quán giúp các tuyên truyền viên là người uy tín dễ tạo dựng lòng tin, truyền tải thông điệp hiệu quả hơn so với phương pháp hành chính đơn thuần. Tại các xã vùng đồng bào DTTS, mỗi dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, chính quyền địa phương mời người uy tín phát biểu, lồng ghép chiếu phóng sự về thành tựu phát triển NTM, bảo vệ môi trường, giới thiệu mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu... Sau đó là phần đối thoại trực tiếp để giải đáp thắc mắc, ghi nhận ý kiến phản hồi từ người dân. Hình thức này không chỉ nâng cao hiệu quả tuyên truyền, mà còn thúc đẩy người dân tích cực tham gia xây dựng NTM, phát triển kinh tế hộ gia đình, giữ gìn bản sắc dân tộc.

Bên cạnh đó, các mô hình “Tổ an ninh thôn bản” được triển khai tại nhiều xã vùng cao. Mỗi tổ gồm 6-12 thành viên là người địa phương, hoạt động theo nguyên tắc tự quản, có phân công nhiệm vụ và báo cáo định kỳ. Bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, giữ gìn ANTT, các tổ còn trực tiếp tuyên truyền miệng đến từng hộ dân về việc chấp hành pháp luật, phòng chống ma túy, không nghe theo kẻ xấu xúi giục vượt biên trái phép. Nhờ sự chủ động, gần dân, linh hoạt, các tổ đã góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT.
Thực hiện nghị quyết của tỉnh về trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS giai đoạn 2022-2025, Sở Tư pháp phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh thành lập các tổ trợ giúp pháp lý lưu động. Hằng tháng, các tổ đến từng xã vùng sâu để tư vấn pháp luật, giải đáp tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn, đăng ký khai sinh, kết hôn... Các tình huống thực tế này được dùng làm ví dụ trực quan trong các buổi tuyên truyền miệng, giúp người dân hiểu đúng, làm đúng theo quy định của pháp luật.
Công tác tuyên truyền miệng trong vùng đồng bào DTTS ngày càng được đổi mới, linh hoạt và thực chất hơn; cụ thể hóa nội dung theo hình thức “gần dân, sát thực tế” cùng sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng bào các DTTS cùng nhau phát triển, giữ gìn bản sắc, hội nhập cùng đất nước.
Ý kiến ()