Quảng Ninh “mạnh tay” quản lý dạy thêm, học thêm
Trong các cuộc họp chỉ đạo các nhiệm vụ gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc luôn nhấn mạnh tới việc quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chấm dứt toàn bộ việc dạy thêm kiến thức trong chương trình phổ thông.
Tại cuộc họp mới đây về chấn chỉnh dạy thêm, học thêm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan báo chí của tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giám sát việc chấn chỉnh dạy thêm, học thêm. Lãnh đạo Sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm chấn chỉnh dạy thêm, học thêm đối với cấp THPT. Riêng với các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí, nếu còn để xảy ra dạy thêm, học thêm trên địa bàn thì sẽ cách chức và điều chuyển công tác đối với các Trưởng phòng GD-ĐT. Đối với các trường THPT, kể cả công lập và ngoài công lập, nếu còn dạy thêm, học thêm thì hiệu trưởng tự từ chức.
Vì sao Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh lại “mạnh tay” với quản lý dạy thêm, học thêm như vậy?
Theo nhận định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, dạy thêm, học thêm và cả hoạt động thu, chi trái quy định là vấn đề tiêu cực gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua. Ngay trong Thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2012-2013 đã nhấn mạnh: “Tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc như: dạy thêm, học thêm không đúng quy định, hiện tượng lạm thu...”.
Việc chấn chỉnh nội dung bức xúc nói trên đã được Quảng Ninh chủ động thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị 09-CT/TU ngày 20-12-2011 về chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Sau một năm thực hiện chỉ thị này, việc quản lý dạy thêm, học thêm còn nhiều hạn chế. Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng thừa nhận việc dạy thêm, học thêm ở một số nơi đã “biến tướng” thành các nhóm nhỏ học thêm dưới hình thức “gia sư”. Đồng thời một bộ phận nhỏ cha mẹ học sinh vẫn chưa hiểu đầy đủ chủ trương chấn chỉnh dạy thêm, học thêm nên còn lo lắng và chưa phối hợp với cơ sở giáo dục để thực hiện.
Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Trong đó, Bộ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền, các ngành liên quan phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Chỉ đạo việc xác minh giải quyết cụ thể đối với từng đơn vị, trường học, tổ chức, cá nhân vi phạm được báo chí nêu rõ danh tính, địa điểm, trả lời báo chí và thông báo kết quả về Bộ.
Vì vậy, để tập trung giải quyết vấn đề bức xúc dạy thêm, học thêm thì Chủ tịch UBND tỉnh phải “mạnh tay” chỉ đạo, điều hành.
Nguyên Đan
Ý kiến ()