
"Quảng Ninh đã chuyển từ “nâu” sang “xanh” với tầm nhìn hội nhập toàn cầu"
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, là người có nhiều tư vấn, tham luận trong các hội thảo khoa học về phát triển kinh tế tại Quảng Ninh.
Nhân hội thảo về thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc do Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức, phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Trần Đình Thiên.
- Thưa PGS.TS Trần Đình Thiên, từ góc nhìn của ông, Quảng Ninh có những lợi thế như thế nào về tự nhiên để phát triển kinh tế di sản?

+ Quảng Ninh, một cách tự thân và tự nhiên, là miền đất hội tụ tiềm năng và lợi thế phát triển to lớn, trong đó có những lợi thế có thể coi là “tuyệt đối”. Trong số này, trước tiên phải kể đến tài nguyên khoáng sản - than đá - mỏ “vàng đen” trữ lượng lớn, cơ sở tự nhiên trực tiếp của quá trình công nghiệp hóa “cổ điển” của Việt Nam, để Quảng Ninh nổi tiếng với danh xưng “Đất mỏ” đầy tự hào trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Tiếp đó là Vịnh Hạ Long, tự mình đã là “di sản thiên nhiên - kỳ quan thế giới”, nối với Bái Tử Long và Vịnh Lan Hạ (Hải Phòng), kết hợp với nhau, tôn vinh vẻ đẹp và cộng hưởng sức mạnh, tạo thành cả một vùng di sản “độc nhất vô nhị” - khác thường về quy mô, cấu trúc và vẻ đẹp tự nhiên.
Ngoài hai loại tài nguyên đó, Quảng Ninh còn nhiều lợi thế khác góp vào bản danh sách tiềm năng phát triển đó là Yên Tử, Bạch Đằng, Bái Tử Long, Cô Tô, Trà Cổ, Móng Cái... Chưa kể lợi thế địa chiến lược đặc biệt, những tài nguyên kể trên của Quảng Ninh đều là “hạng nhất”, ở đẳng cấp rất cao trong thang đo lợi thế phát triển, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trên tầm thế giới. Đó là cơ sở để khẳng định Quảng Ninh là “tọa độ" hội tụ các nguồn lực “tinh hoa - tự nhiên”, tạo lợi thế phát triển vượt trội, hiếm có.
- Ông đánh giá như thế nào về việc phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua?
+ Theo số liệu bán vé tham quan Vịnh Hạ Long năm 2024 là khoảng 1.000 tỷ đồng. Tôi thấy con số này vẫn không tương xứng với một Di sản 3 lần được UNESCO vinh danh và sở hữu rất nhiều thế mạnh nổi trội mà không nơi nào có được. Nếu nhìn sang TP Thâm Quyến (Trung Quốc) sẽ thấy từ một làng chài nghèo, đến nay thành phố này đạt doanh thu trên 10 tỷ USD mỗi năm từ du lịch, trong khi chi phí đầu tư ban đầu cho lĩnh vực này chỉ khoảng 5 tỷ USD.
So sánh câu chuyện này để thấy Hạ Long sẽ phải hành động theo cách khác thường, hướng tới những lựa chọn ưu tiên “đặc thù” và hệ giải pháp chiến lược mới, phù hợp xu thế thời đại. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh cần xây dựng một trung tâm du lịch quốc tế đẳng cấp thuộc loại cao cấp nhất, giống như mô hình phát triển du lịch ở Thâm Quyến, Dubai… Đồng thời, có những chính sách đủ mạnh trong thu hút các nhà đầu tư phát triển sớm các cơ sở du lịch trên địa bàn Hoành Bồ cũ để tạo thế “đối ngẫu phát triển” với du lịch biển. Hay là chúng ta cũng nên dành một ngân quỹ thỏa đáng để sáng tạo các câu chuyện về Hạ Long.
Dư địa phát triển của Hạ Long và của cả vùng đất Quảng Ninh còn rất lớn. Thậm chí các nơi khác phải mượn sức Hạ Long kết nối để phát triển. Cũng như Hạ Long có thể mượn sức Yên Tử, mượn sức Bạch Đằng và Bái Tử Long để đồng hành cùng phát triển. Chúng ta cũng cần kết nối định vị đô thị di sản cộng hưởng sức mạnh của những toạ độ nói trên. Nếu làm được như vậy thì sức mạnh của di sản Hạ Long sẽ được nhân lên một cách ghê gớm. Đây cũng là toạ độ đặc biệt sáng, bởi vì Quảng Ninh đã sở hữu những tài sản tự nhiên, tài sản du lịch, di sản đặc biệt quý hiếm không chỉ của Việt Nam mà còn thế giới.

- Có vẻ vừa phát triển nhanh, vừa bảo vệ môi trường tự nhiên là một quá trình khó khăn...
+ Tuy tiềm năng - lợi thế phát triển là rất to lớn, nhưng cách đây 15-20 năm, khi ưu tiên cao nhất được dành cho việc khai thác than, chúng ta vẫn nghèo, rất vất vả, với một đô thị ô nhiễm và thậm chí có thể nói là luộm thuộm. Lịch sử phát triển của Quảng Ninh là một minh chứng cho chân lý rằng phát triển và làm giàu là công cuộc khó khăn bậc nhất, kể cả khi sở hữu tiềm năng to lớn và lợi thế phát triển đặc biệt.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, để phát triển thực sự, điểm mấu chốt là cần có cách phát triển đúng, phù hợp, trên cơ sở đó hội đủ nguồn lực tài chính. Trong các giai đoạn phát triển đã qua, tuy nói chung Quảng Ninh đều “tuân thủ” nguyên tắc phát huy lợi thế, song xuất phát từ tầm nhìn, cách tiếp cận khác nhau, kết quả phát triển đạt được vẫn còn hạn chế. Trong thời kỳ công nghiệp hóa “cổ điển”, phát huy lợi thế vùng than, Quảng Ninh đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp nguyên liệu, năng lượng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trong khuôn khổ cơ chế bao cấp, việc phát huy lợi thế được thực hiện theo kiểu “ăn sẵn”, “tận khai", đánh đổi môi trường. Cách phát huy lợi thế đó đã không giúp đổi đời được...
- Theo ông, sự chuyển biến bắt đầu từ dấu mốc nào?
+ Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (năm 2010) đúc kết nghiêm túc bài học đắt giá đó, cô đặc nó lại thành công thức chuyển đổi mang tính lịch sử: Chuyển từ “nâu” sang “xanh”. Công thức này tuy đơn giản, song phản ánh cốt lõi của xu thế phát triển của thế giới hiện đại. Nó khởi động quá trình chuyển sang đẳng cấp phát triển mới ở Việt Nam, trong đó, Quảng Ninh đóng vai trò tiên phong.

- Từ "nâu" sang "xanh" là một cách tiếp cận có hiệu quả như thế nào, thưa ông?
+ Quảng Ninh đã thực sự xoay trục phát triển: Chuyển từ “nâu” sang “xanh”, với tầm nhìn hội nhập toàn cầu, thời đại, lấy du lịch đẳng cấp cao làm trụ cột, theo sơ đồ “một tâm, hai tuyến, đa chiều”. Trong đó, Hạ Long được xác định là “tâm”. Những nguyên tắc nêu trên định hình chân dung tương lai của Quảng Ninh, với vai trò dẫn dắt được trao cho Hạ Long, tâm điểm của toàn bộ công cuộc phát triển, để đưa Quảng Ninh lên một tầm cao khác. Tương lai ấy là yếu tố cơ bản quyết định hướng lựa chọn hệ mục tiêu mới và hệ giải pháp khác.
Chuyển từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh đoạn tuyệt về nguyên tắc với phương thức tận khai tài nguyên, từng bước thoát khỏi tình trạng lệ thuộc lợi thế tĩnh, tức là mỏ than, chuyển trọng tâm ưu tiên sang khai thác lợi thế công nghiệp (cảng biển, tọa độ kết nối) và du lịch đẳng cấp cao, trên nền tảng kiên định cải cách thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế đẳng cấp cao. Nhờ đó, chỉ sau một nhiệm kỳ đại hội 2010-2015, Quảng Ninh cơ bản xác lập một phương hướng phát triển mới, còn Hạ Long định hình chân dung đô thị hiện đại, với nhiều yếu tố vượt trội và đậm bản sắc du lịch biển, kỳ quan thế giới.
- Theo ông, Quảng Ninh đang đối diện với những khó khăn thách thức nào?
+ Từ góc nhìn “động”, nếu đo theo hiệu quả phân bố nguồn lực, dễ nhận thấy những thách thức to lớn mà Quảng Ninh đang đối mặt và không dễ giải quyết. Đường bộ nhiều và tốt nhưng mật độ xe lưu thông còn thấp. Sân bay tốt nhưng chuyến bay thưa thớt, chưa kết nối quốc tế. Đô thị sang trọng nhưng cư dân hội tụ chưa đủ đông. Hạ tầng du lịch đẳng cấp cao nhưng lượng khách đến vẫn thiếu về lượng, non về chất, mức chi tiêu còn thấp...
Cộng hưởng với những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, tình hình đó gây nguy cơ “vỡ” phương án tài chính của nhiều dự án phát triển đã và đang triển khai trên địa bàn. Điều đó bộc lộ tình trạng “có vấn đề” của hệ thống phân bổ nguồn lực, tuy đã từng tốt, song đang thể hiện là “chưa đủ tốt”, đặt quá trình phát triển đang “thăng hoa” của Quảng Ninh trước những thách thức lớn.
Những khó khăn khách quan chưa từng thấy, bắt nguồn từ đại dịch Covid-19, tình trạng đứt chuỗi, đứt mạch kinh tế toàn cầu những năm 2020-2023, gây tác động tiêu cực mạnh mẽ đến quá trình phát triển theo hướng xanh - hiện đại, tàn phá ngành du lịch, gây hậu quả nặng nề cho ngành công nghiệp và đô thị đang trỗi dậy.
Những rủi ro khách quan to lớn không lường trước được đã phá vỡ các mục tiêu chiến lược của tỉnh, các nỗ lực đầu tư của các doanh nghiệp và người dân. Đây là nguyên nhân chính đẩy các doanh nghiệp lâm vào tình thế khó khăn chưa từng thấy, để lại những di chứng phát triển mà Quảng Ninh đang nỗ lực để vượt qua khách quan ấy bằng những chiến lược. Cái phải thay đổi là chiến lược thu hút khách, cơ cấu lại nguồn khách và làm thế nào để khách đến Quảng Ninh tiêu tiền nhiều. Ví dụ nếu chỉ trông chờ vào khách tắm biển thì không được mà phải có các dịch vụ như tắm khoáng. Xoay chuyển được cơ cấu thì tổng thu của Quảng Ninh sẽ nhiều hơn. Muốn khách ở nhiều ngày hơn thì tour tuyến, các dịch vụ cũng phải khác.
- Trân trọng cám ơn PGS.TS đã trả lời phỏng vấn!
Ý kiến ()