Phòng dịch Ebola
Không còn là chuyện của các quốc gia Châu Phi, dịch Ebola đang là nguy cơ mà toàn thế giới phải đối mặt. Bắt đầu từ hôm qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triệu tập phiên họp khẩn cấp 2 ngày (6, 7-8) để bàn cách chống lại dịch bệnh do virus Ebola gây ra.
Theo Vannina Maestracci - một người phát ngôn WHO, cho biết, ghi nhận của WHO thì tính đến ngày 1-8, đã có 1.603 ca nhiễm Ebola ở bốn nước: Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone, trong đó có 887 ca tử vong. Đáng chú ý chỉ trong hai ngày, từ 31-7 đến 1-8, đã có 163 ca nhiễm mới được ghi nhận và 61 ca tử vong.
Tại Châu Á, ngành Y tế của các nước Trung Quốc, Thái Lan đã lên kế hoạch đối phó với căn bệnh này. Còn ở nước ta, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
Chỉ đạo theo hệ thống ngành dọc, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, đặc biệt những người đến từ quốc gia có dịch bệnh. Cùng với đó, phải thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola và có tiền sử đi về từ vùng dịch trong vòng 21 ngày, cơ quan liên quan cần thực hiện ngay các biện pháp cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.
Được biết, virus gây bệnh này có hàng loạt biến thể, tên của nó được đặt theo tên con sông Ebola ở Cộng hoà Dân chủ Congo, nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên vào năm 1976.
Các tài liệu cảnh báo về dịch bệnh Ebola chỉ rõ, virus này lây truyền từ động vật hoang dã sang người sau đó lan ra trong cộng đồng theo hình thức từ người sang người. WHO cho biết, loài dơi quạ ăn trái là vật chủ tự nhiên của Ebola. Ngoài ra, khỉ đột, vượn, lợn… cũng có thể trở thành vật trung gian truyền bệnh nếu chúng tiếp xúc với nước bọt hoặc phân dơi. Mối hiểm nguy lớn của dịch bệnh này chính là chưa có vaccine hay phác đồ điều trị và tỷ lệ tử vong cao đến 90%.
Người nhiễm virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày, sau đó có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng. Tiếp đó, người bệnh ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan và thận, có thể gây xuất huyết nội và ngoại.
Trước những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của dịch Ebola, Bộ Y tế khuyến cáo người dân: Cần thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn; tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; không cầm, nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó. Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.
Ngọc Lê
Ý kiến ()