Phòng, chống tham nhũng phải là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục
Ngày 18-7 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có chỉ thị (số 29-CT/TU) về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận, Chương trình hành động của Trung ương Đảng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các cấp uỷ, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được triển khai thực hiện theo quy định; hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý tiêu cực, tham nhũng được tăng cường, với nhiều kết quả rõ nét, góp phần quan trọng giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật trong quá trình đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số hạn chế, yếu kém so với yêu cầu. Cụ thể là, công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của nhà nước về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, chưa đi vào chiều sâu, chưa thực sự đi vào ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tham nhũng trong ngành, đơn vị, địa phương mình; chưa phát huy được hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa đồng bộ, nhìn chung còn hình thức; công tác tự kiểm tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý còn ít; một số vụ việc đã được xử lý theo pháp luật nhưng quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn dài, làm giảm hiệu quả đấu tranh và tuyên truyền…
Từ thực tế đó và để khắc phục những hạn chế, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể, các địa phương trong tỉnh quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung sau: Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị phải có quyết tâm chính trị cao, xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”… Các cấp uỷ, tổ chức đảng phải chủ động chỉ đạo phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý nghiêm, kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng tiêu cực, những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng. Đánh giá cao và có cơ chế khen thưởng phù hợp, hiệu quả đối với những cơ quan, tổ chức, đơn vị tự phát hiện tham nhũng; xử lý nghiêm, quyết liệt đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị né tránh, dung túng, bao che tham nhũng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng… Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Đẩy mạnh công tác giám sát của HĐND, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với các hoạt động KT-XH có nguy cơ cao về tham nhũng; chú trọng giám sát đối với công tác xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng phức tạp được dư luận xã hội quan tâm…
Tham nhũng, từ nhiều năm qua đã được Đảng, Nhà nước xác định là một thứ “giặc nội xâm”, là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Trong khi đó hiệu quả đấu tranh với tệ nạn này còn nhiều hạn chế, chưa đạt kết quả như mong muốn, yêu cầu, do đó làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà Nước. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, để từ đó làm cho xã hội trong sạch, minh bạch, đất nước phát triển bền vững. Cụ thể ở đây là thực hiện thật tốt, hiệu quả các chỉ đạo, nhiệm vụ theo chỉ thị của BTV Tỉnh uỷ về công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh…
Thanh Tùng
Ý kiến ()